Sức ép tăng giá nguyên vật liệu quay trở lại với Nhựa Bình Minh
Thị trường xây dựng hồi phục đang thúc đẩy sức cầu, nhưng giá các nguyên vật liệu nhựa đầu vào chịu sức ép tăng trở lại đang là khó khăn lớn với bài toán lợi nhuận của Nhựa Bình Minh.
Kết thúc quý I/2022, Công ty Nhựa Bình Minh đã đạt 1.349,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp cũng đạt 23,6%, tăng 5,7 điểm phần trăm so với mức 17,9% cùng kỳ năm 2021, giúp giá trị lợi nhuận gộp thu về đạt 319 tỷ đồng, tăng 54% so với quý đầu năm 2021.
Nhu cầu ống nhựa xây dựng duy trì đà tăng mạnh trở lại, đặc biệt là sự phục hồi tại miền Nam - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 và cũng là thị trường chính của Nhựa Bình Minh, thúc đẩy tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Biên lợi nhuận gộp của Công ty cũng phục hồi tích cực nhờ giá bán đầu ra tăng, trong khi Công ty có dự trữ tồn kho giá vốn thấp từ trước. Việc gia tăng sản lượng sản xuất cũng giúp giảm áp lực các chi phí cố định lên biên lợi nhuận.
Mặc dù trong kỳ các chi phí bán hàng tăng 40,5%, lên 109,6 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 102%, lên 26,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng gần 14%, lên 36,2 tỷ đồng, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 36% so với cùng kỳ, xuống còn 11,8 tỷ đồng, nhưng sự cải thiện trong doanh thu và lợi nhuận gộp vẫn giúp Nhựa Bình Minh thu về 127,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ 2 liên tiếp, kể từ sau khi lâm vào thua lỗ trong quý III/2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội.
Theo kế hoạch kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2022, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 448 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 24% và 109% so với thực hiện năm trước. Như vậy, Công ty đã hoàn thành được gần 24% mục tiêu về doanh thu và hơn 28% mục tiêu về lợi nhuận sau quý đầu năm.
Mặc dù đang ghi nhận những khởi đầu lạc quan sau năm 2021 chịu khó khăn kép, nhưng diễn biến tăng mạnh của giá dầu từ đầu năm 2022 đến nay, thậm chí có thể còn tăng thêm trong thời gian tới do những căng thẳng xung đột chính trị - quân sự trên thế giới, khiến các nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục chịu nhiều sức ép tăng giá. Điều này có thể tác động bất lợi đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa, trong đó có Nhựa Bình Minh, khiến Công ty khó duy trì được mức biên lợi nhuận cao như trong quý vừa qua.
Cụ thể, trong cấu trúc chi phí của Nhựa Bình Minh, chi phí sản xuất đầu vào chủ yếu là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm 3 loại hạt nhựa chính là PVC, PP, HDPE chiếm khoảng 75 - 80% chi phí sản xuất, còn lại chủ yếu là các định phí như khấu hao và nhân công. Trong năm 2021, giá hạt nhựa đã tăng mạnh khi việc giãn cách trên phạm vi toàn cầu khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, từ đó làm giá các loại nguyên vật liệu gia tăng. Giá hạt nhựa còn chịu thêm áp lực tăng từ giá dầu khi nguyên liệu chính sản xuất hạt nhựa là các chế phẩm từ dầu mỏ.
Sau khi lập đỉnh vào tháng 10/2021, giá các loại hạt nhựa sau đó đã hạ nhiệt. Tuy vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, xu hướng tăng đã quay trở lại khi giá dầu leo thang cũng như sự phục hồi về nhu cầu trên thế giới và áp lực từ việc gia tăng các chi phí logistics.
Theo ông Sakchai Patiparnpreechavud, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Bình Minh: “Hiện tại giá PVC toàn cầu và đặc biệt là châu Á vẫn giữ ở mức cao vì cung cầu thị trường mất cân đối. Nguồn cung từ các nhà máy mới không có thêm, trong khi nhu cầu thị trường ngày càng tăng”.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trên thị trường sẽ hạn chế đáng kể khả năng tăng thêm giá bán trong tương lai. Trước đó, ước tính Nhựa Bình Minh đã tăng tổng cộng khoảng 40% giá bán trong năm 2021 do giá nguyên vật liệu tăng.
Một lợi thế của Nhựa Bình Minh đến từ sự hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu từ công ty mẹ. “Công ty có cơ hội tiếp cận với nguồn cung nguyên vật liệu trong nước như TPC Vina, AGC và có thể mở rộng phạm vi cung cấp nguyên vật liệu từ TPC Thái Lan, AGC Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết.
Việc gia tăng tích trữ hàng tồn kho trong giai đoạn giá nguyên liệu điều chỉnh về mức thấp vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 gần đây cũng được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho tỷ suất lợi nhuận các quý sắp tới. Tính đến ngày 31/3/2022, giá trị tồn kho của Nhựa Bình Minh đạt 714,7 tỷ đồng, tăng 15,5% so với đầu năm, chiếm gần 1/4 trong cơ cấu tổng tài sản. Trong đó tồn kho nguyên vật liệu đạt 347,8 tỷ đồng, tăng 55,3% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận