Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% năm 2025
Hôm nay (12-12), ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam với dự báo GDP sẽ tăng 6,7% vào năm 2025. Trong đó, mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.
Theo đánh giá của Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 14,9% và 16,8% so với cùng kỳ năm trước, TTXVN đưa tin.
Sự phục hồi của ngành sản xuất, kết hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt, đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước từ đầu năm đến nay.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng với FDI giải ngân tăng 8,8% và FDI cam kết tăng 1,9%. Ngành sản xuất vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất với nhà đầu tư, chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết, trong khi lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể với 19%.
Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào quí 2-2025. Với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, áp lực lạm phát gia tăng từ quí 2 trở đi sẽ giúp lãi suất dần trở lại mức bình thường trong cùng quí.
Vị chuyên gia cho hay, các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ động thái của Fed. Cụ thể, việc Fed giảm lãi suất có thể giúp giảm áp lực rút vốn, trong khi thặng dư thương mại và thu nhập từ du lịch sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam. Dẫu vậy, thách thức vẫn còn đó khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn hạn chế.
Theo dự báo của nhà băng, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng đô la Mỹ mất giá, đẩy tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam lên mức 25.250 đồng vào cuối năm 2024 và có khả năng đạt 25.450 đồng vào giữa năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường