Sợi Thế Kỷ báo lãi ròng 278,4 tỷ đồng
Lãi ròng của Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) năm 2022 được kỳ vọng đạt hơn 286 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty dự tính, năng lực sản xuất sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý đầu năm nay.
Cụ thể, trong quý IV/2021, sau khi công ty này chấm dứt mô hình 3 tại chỗ, người lao động trở về nhà và một số nhân viên đã bị lây nhiễm Covid-19 từ người thân.
Do đó, trong kỳ các nhà máy đã tạm thời thiếu lao động và không vận hành hết toàn bộ công suất cũng như không đáp ứng được tối đa các đơn hàng sợi tái chế cho khách hàng.
Song, nhờ đà dần phục hồi của thị trường trong nước và tình hình dịch bệnh dần ổn định, các khách hàng nội địa cũng đang dần đưa công suất hoạt động trở lại với mức trước dịch, Sợi Thế Kỷ đã đẩy mạnh bán hàng tồn kho.
Nhờ vậy, doanh thu bán hàng của công ty này trong quý gần nhất đạt 496,7 tỷ đồng; hoàn thành 84% so với kế hoạch quý (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2020) và tăng 6% so với quý III/2021.
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu năm 2021.
Về lợi nhuận trong quý, công ty này hoàn thành 122% kế hoạch quý, với lợi nhuận sau thuế là 75,1 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2020.
Lũy kế năm tài chính 2021, Sợi Thế Kỷ báo lãi ròng 278,4 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 112% kế hoạch cả năm.
Về tình hình kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo công ty này đánh giá, các thị trường khu vực Đông Nam Á, Mỹ và EU sẽ phục hồi tốt sau khi trên 60% tổng dân số đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ góp phần khôi phục các hoạt động mua sắm bình thường của người tiêu dùng và nâng cao chỉ số tiêu dùng trong việc mua sắm các mặc hàng thời trang, nội thất và xe hơi,…
Cụ thể, tháng 10/2021 chỉ số CPI tại Mỹ đạt 276 điểm, tăng 6.15% và tại EU là 110 điểm, đã tăng 4,76% so với cùng kỳ năm trước, theo Tradingeconomics.
Còn theo báo cáo của tổ chức Research and Market, nhu cầu thị trường dệt may thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng 549,8 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 với tốc độ CAGR trên 5% trong giai đoạn dự báo.
Ngoài ra, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng dệt may sẽ được cơ cấu lại theo xu hướng dịch chuyển dần nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong những nguồn cung thích hợp nhất của các nhà nhập khẩu thế giới.
Đồng thời, các hiệp định thượng mại tự do đã ký sẽ là một trong những hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Lợi thế có được từ việc áp thuế chống bán phá giá Trung Quốc và US Antidumping cũng là một trong những yếu tố có thể giúp các doanh nghiệp sợi trong nước phát triển thêm thị phần trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt với Sợi Thế Kỷ là công ty có mức thuế chống bán phá giá thấp nhất từ thị trường Mỹ so với các công ty khác.
Dự kiến, năng lực sản xuất của Sợi Thế Kỷ sẽ phục hồi hoàn toàn trong quý I/2022 khi toàn bộ công nhân quay trở lại làm việc.
Tính tới 13/01/2022, ban lãnh đạo công ty này dự phóng doanh thu tháng đầu năm nay có thể tăng khoảng 13% so với bình quân tháng của quý IV/2021 nhờ sự phục hồi đơn hàng của khách hàng và năng lực sản xuất được gia tăng.
Năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.565 tỷ đồng và lãi ròng 286,6 tỷ đồng; tương đương tăng 25,6% và gần 3% so với kế quả năm 2020.
Ngoài ra, trong quý I/2022, Công ty sẽ bổ sung hồ sơ và thông tin để đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (20%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận