Soi khoản dự phòng trị giá gần 675 tỷ đồng của Chứng khoán BOS
CTCP Chứng khoán BOS (HNX: ART) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023, hé lộ nhiều điểm trong hoạt động kinh doanh hậu đại án Trịnh Văn Quyết. Báo cáo do Công ty Kiểm toán và Tư vấn UHY kiểm toán.
Năm 2023, Công ty thu về tổng doanh thu gần 5 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước. Nguồn thu chủ yếu đến từ lãi các khoản cho vay, phải thu; doanh thu môi giới và cổ tức, lãi tiền gửi không cố định trong năm.
Chi phí trong năm lên tới gần 23 tỷ đồng. Tổng kết lại, BOS lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng. Điểm tích cực là số lỗ này thấp hơn mức lỗ ròng 986 tỷ đồng năm trước rất nhiều.
Kết quả kinh doanh 2023 của BOS
Đvt: Đồng
Hai năm liền lỗ ròng đã đẩy lỗ lũy kế của BOS lên gần 840 tỷ đồng (ngày 31/12/2023). Tổng tài sản tại thời điểm này tiếp tục thu hẹp còn hơn 160 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.
Đáng chú ý, Công ty đang ghi nhận các khoản dự phòng khổng lồ. Cụ thể, Công ty phải dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp gần 115 tỷ đồng và dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu khác hơn 560 tỷ đồng. Tổng giá trị dự phòng lên tới gần 675 tỷ đồng.
Trong đó, khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính đến từ dự phòng phải thu cho vay margin. Đây là giá trị dự phòng với khoản cho vay mã chứng khoán GAB. BOS đã thực hiện trích lập 100% với khoản cho vay này. Trên sàn, cổ phiếu GAB không có giao dịch ngay sau khi Cơ quan điều tra thực hiện điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" đối với ông Trịnh Văn Quyết; sau đó, mã này bị dừng giao dịch, hủy niêm yết nên Công ty không thể xử lý bán chứng khoán ký quỹ để thu hồi khoản nợ.
Bên cạnh đó, BOS cũng ghi nhận gần 17 tỷ đồng lãi phát sinh từ khoản cho vay vào doanh thu nhưng chưa thể thu hồi.
Dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp của BOS
Đvt: Đồng
Đối với phần dự phòng các khoản phải thu khác, BOS ghi nhận dự phòng 467 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại MSB nhưng Ngân hàng đã tự động thu giữ và chưa giải thích đầy đủ nguyên nhân.
BOS cho biết Công ty đang đề nghị MSB phối hợp làm rõ vấn đề này.
Trong các khoản phải thu khác, Công ty còn ghi nhận các khoản dự phòng phải thu dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp (29.3 tỷ đồng), dự phòng với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An (26 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển IMR (17.5 tỷ đồng), CTCP Vật tư thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội (20 tỷ đồng).
Khoản thu với 3 công ty kể trên là khoản đặt cọc theo hợp đồng đặt cọc mua cổ phiếu của CTCP Quản lý Quỹ Hợp lực - Unicap với các đơn vị có liên quan đến các cá nhân bị khởi tố theo vụ án thao túng thị trường chứng khoán mà các cá nhân này đang là đại diện pháp luật. Do đó, BOS phải trích lập 100% với các khoản phải thu này.
Các khoản phải thu liên quan Quản lý quỹ Unicap, MSB và khoản dự phòng cho vay GAB đều được đơn vị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ.
Dự phòng suy giảm các khoản phải thu của BOS
Đvt: Đồng
Ngoài ra, Công ty còn nhận ý kiến ngoại trừ với việc trích lập dự phòng gần 210 tỷ đồng với khoản đầu tư góp vốn vào CTCP Đầu tư kinh doanh Bất động sản FLCHomes (FHH) và CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holdings (FCA).
Đáng chú ý, BOS ghi nhận khoản phải thu hơn 55 tỷ đồng đối với nhà đầu tư. Đây là khoản tiền chênh lệch bù trừ giữa phần thu nợ và giải ngân của hoạt động cho vay và ứng trước tiền bán trên tài khoản của nhà đầu tư, Công ty phải thu về do tiền của nhà đầu tư chủ yếu đang ở các ngân hàng khác ngoài BIDV nhưng chưa thu được do thủ tục thay đổi thông tin chủ tài khoản.
BOS cho biết đã hoàn tất các thủ tục và thu được khoản tiền này về tài khoản Công ty vào ngày 02/01/2024. Công ty sẽ được sử dụng khoản tiền này vào hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên báo cáo tài chính của Công ty.
Các khoản phải thu của BOS
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận