SJF duyệt kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng vào công ty kinh doanh bất động sản
Ngày 16/08, HĐQT CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF) công bố Nghị quyết thông qua phương án góp vốn vào CTCP Hạ tầng staBOO Việt Nam, trị giá 200 tỷ đồng.
Cụ thể, SJF dự kiến góp thêm 200 tỷ đồng vào CTCP Hạ tầng staBOO Việt Nam, thực hiện trong quý 3/2024. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, vốn điều lệ của Hạ tầng staBOO Việt Nam sẽ được nâng từ 36 tỷ đồng lên 236 tỷ đồng, trong đó SJF sở hữu 84.75% vốn.
Để thực hiện thương vụ đầu tư này, SJF cho biết sử dụng nguồn từ thu hồi các khoản cho vay khác. SJF cử người đại diện phần vốn góp là ông Nguyễn Trí Thiện thay mặt làm đại diện phần vốn góp tại staBOO Việt Nam, đồng thời giao cho Ban Tổng Giám đốc quyết định và thực hiện các công việc còn lại liên quan theo đúng quy định và pháp luật hiện hành.
Hạ tầng staBOO Việt Nam thành lập ngày 24/08/2022, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và có trụ sở chính tại tầng 8, tòa nhà SIMCO Sông Đà, Tiểu khu ĐTM Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Ở thời điểm thành lập, Công ty này có vốn điều lệ 36 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, gồm ông Nguyễn Trọng Nghĩa sở hữu 51%, ông Bùi Trung Hạnh sở hữu 48% và ông Phan Văn Hưng sở hữu 1% còn lại.
Ngoài việc sở hữu lượng cổ phần lớn nhất, ông Nguyễn Trọng Nghĩa còn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Hạ tầng staBOO Việt Nam. Bên cạnh đó, Hạ tầng staBOO Việt Nam còn có người đại diện pháp luật khác là Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa có lẽ không còn xa lạ khi từng giữ vai trò thành viên HĐQT SJF trong giai đoạn tháng 6/2022 – tháng 6/2024. Vào ngày 27/05/2024, ông Nghĩa đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ này vì lý do cá nhân.
Hiện ông Nghĩa còn đang là người đại diện pháp luật tại CTCP staBOO Thanh Hóa – doanh nghiệp chuyên sản xuất ván ép từ tre, sản xuất, mua, bán các sản phẩm từ tre, đồng thời cũng là doanh nghiệp từng được nhiều cổ đông đặt ra nghi vấn về mối quan hệ với SJF tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của SJF diễn ra trong tháng 6 vừa qua.
Tại đại hội, đại diện SJF cho biết, ban đầu Công ty đứng ra xin là chủ đầu tư của dự án staBOO Thanh Hóa, nhưng do SJF là công ty niêm yết không thể chia tách, do vậy phải thành lập công ty mới để thực hiện đầu tư. Hơn nữa, do dự án staBOO Thanh Hóa là một dự án rất lớn với vốn đầu tư lên đến 3,200 tỷ đồng, vốn tự có hơn 1,000 tỷ đồng, nên SJF không đủ vốn để đầu tư và cần huy động từ đối tác bên ngoài, trong đó có các cổ đông của SJF.
Dự án staBOO Thanh Hóa ưu tiên huy động vốn trong nội bộ cổ đông SJF vào năm 2023, nhưng các nhà đầu tư của SJF đã không tham gia, do đó đã giành quyền tham gia cho các cổ đông bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành dự án, SJF có thể đầu tư vào staBOO thông qua mua lại cổ phần của các cá nhân.
Đại diện SJF còn cho biết rằng, SJF đang sở hữu vùng nguyên liệu tre có chứng chỉ FSC nên có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà máy staBOO Thanh Hóa. Khoản doanh thu này được phía SJF đánh giá là rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ mỗi năm và có thể đem về lợi nhuận tốt.
SJF công bố kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng trong bối cảnh Công ty này vừa đưa ra lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Được biết, cổ phiếu SJF vẫn chưa được giao dịch trở lại kể từ ngày bị đình chỉ 13/11/2023, đồng thời còn nằm trong diện cảnh báo và kiểm soát.
Hoạt động kinh doanh SJF cũng đang gặp nhiều khó khăn. Quý 1 và quý 2/2023, Doanh nghiệp lỗ ròng khoảng 8 tỷ đồng theo BCTC tự lập, nhưng số lỗ vọt lên gần 303 tỷ đồng sau soát xét bán niên vì tăng trích lập dự phòng. Cả năm 2023, Doanh nghiệp lỗ ròng gần 322 tỷ đồng.
Sang năm 2024, tình hình vẫn chưa sáng hơn khi SJF tiếp tục thua lỗ trong quý 1 (-3.4 tỷ đồng) và quý 2 (-4.4 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường