Sếp JPMorgan: Sự sụp đổ của SVB sẽ để lại hậu quả trong nhiều năm tới
Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan, cho rằng sự rối loạn gần đây trong ngành ngân hàng không giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng sẽ gây ra hệ lụy trong nhiều năm tới.
Jamie Dimon
Trong lá thư gửi tới cổ đông vừa công bố trong ngày 04/04, vị lãnh đạo của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho biết lượng định chế tài chính bị cuốn vào cuộc khủng hoảng hiện tại ít hơn rất nhiều so với năm 2008 và vấn đề cần giải quyết cũng ít hơn. Tại thời điẻm 2008, có tới 1,000 tỷ USD khoản vay thế chấp dưới chuẩn đe dọa tới toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ.
“Khả năng thị trường rơi vào hỗn loạn đã tăng lên đáng kể. Mặc dù cuộc khủng hoảng lần này khác với năm 2008, vẫn chưa rõ khi nào nó sẽ kết thúc”, CEO JPMorgan nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cho rằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã phơi bày những vấn đề về quản lý và giám sát ngân hàng, nhất là rủi ro lãi suất.
“Phần lớn rủi ro gần đây nằm ngay trước mắt mà không ai hay”, ông viết. “Đây không phải là thời khắc phi thường với nhiều ngân hàng”.
Trong lá thư, ông Dimon nhấn mạnh thành tích của JPMorgan và sức ảnh hưởng của họ tới các vấn đề chính trị, quy định ngân hàng và tình hình kinh tế Mỹ. Trong lá thư dài 43 trang trong năm nay, ông Dimon liên tục lặp lại rằng kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức. Hậu quả từ những vụ sụp đổ gần đây có thể phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế Mỹ, ông nói.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng “đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và rõ ràng cũng thắt chặt các điều kiện tài chính khi ngân hàng và một số bên cho vay khác trở nên thận trọng hơn”, ông Dimon nhận định. Vị lãnh đạo JPMorgan nói thêm hiện vẫn chưa rõ vụ sụp đổ ngân hàng gần đây có làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng hay không.
Đây là lần đầu tiên ông Dimon bình luận công khai về các sự kiện ngân hàng trong tháng 3/2023. Đợt rút tiền gửi hàng loạt khiến SVB và Signature Bank sụp đổ chỉ trong vài ngày. Kế đó, First Republic cũng rơi vào tình trạng cảnh báo, nhưng đã nhận được 30 tỷ USD hỗ trợ tiền gửi từ 11 ngân hàng lớn, bao gồm cả JPMorgan.
Đằng sau hậu trường, ông Dimon vẫn liên lạc với các cơ quan điều hành và CEO ngân hàng khác để bàn về các biện pháp hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn. Ông nói dù các ngân hàng lớn như JPMorgan nhận được lượng tiền gửi lớn từ người dân sau sự vụ của SVB, nhưng sự rối loạn gần đây là tin xấu với toàn ngành.
“Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ vào hệ thống ngân hàng”, ông Dimon viết.
Ông chê trách ban quản lý tại các ngân hàng đã sụp đổ vì đã không đáp ứng nhiều hơn mức tối thiểu theo quy định, đồng thời cũng đổ một phần lỗi cho các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, ông nói rằng các cơ quan điều hành đã thúc đẩy các ngân hàng nắm giữ các tài sản siêu an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đà tăng của lãi suất đã làm giảm giá trị của những trái phiếu này, khiến các ngân hàng phải chịu những khoản lỗ lớn trên giấy.
Ông Dimon cho biết các cơ quan quản lý cần phải củng cố các ngân hàng khu vực và cộng đồng. Ông gọi đây là “điều cần thiết cho hệ thống kinh tế Mỹ”, đồng thời bảo vệ các ngân hàng lớn hơn như JPMorgan – vốn mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng Mỹ.
Trong lá thư, ông đề xuất điều chỉnh lại bài kiểm tra sức chịu đựng (stress tests) mà Fed thực hiện với các ngân hàng hàng năm. Đây là biện pháp để đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro hay mức độ tổn thương của các tổ chức tài chính, ngân hàng trước sự kiện rủi ro, bất lợi.
Tuy nhiên, theo ông Dimon, Fed đã rất lâu rồi chưa điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình hiện tại, chăng hạn như tác động của đà tăng lãi suất.
“Lãi suất cực kỳ quan trọng – chúng là yếu tố tác động tới mọi vấn đề kinh tế”, ông Dimon viết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận