REE trụ vững nhờ năng lượng sạch
Trong bối cảnh hoạt động xây dựng bị đình trệ vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều địa phương vừa qua, mảng M&E (cơ khí và điện) của Công ty cơ điện lạnh REE đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào mảng hạ tầng năng lượng sạch đã trở thành nước cờ giúp công ty trụ vững trong năm nay.
Trên thực tế, giá cổ phiếu REE đã tăng gần gấp đôi trong 1 năm qua khi đạt tới 70.000 đồng/cổ phiếu. Đó là điều đặc biệt khi REE bất ngờ thông báo không chia cổ tức cho kết quả kinh doanh năm vừa rồi.
Công ty đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay khá ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng 38,2%, trong khi doanh thu tăng thấp hơn đáng kể 14,1%. Tăng trưởng này đến từ sự thay đổi trong đóng góp của các mảng, cụ thể là tăng tỷ trọng từ ngành điện (tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn so với cơ khí và điện), dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 29,3% trong 6 tháng đầu năm ngoái lên 39% trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, các nhà máy thủy điện nhìn chung hoạt động tốt hơn do thủy văn thuận lợi hơn kể từ quý III qua như Nhà máy thủy điện Thượng Kontum bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4 năm nay giúp gia tăng doanh thu cho mảng này.
Đó là sự kiện toàn bộ 86 MW công suất pin năng lượng mặt trời chính thức đi vào hoạt động và được hòa vào lưới điện quốc gia đúng tiến độ vào cuối năm ngoái giúp thúc đẩy doanh thu năm nay. REE cũng hưởng lợi nhờ các dự án điện gió và tỷ giá biến động theo chiều hướng có lợi.
Ngược lại, mảng cơ khí và điện ghi nhận 1.065 tỷ đồng doanh thu (giảm đến -24,9%), trong khi lợi nhuận ròng chỉ đạt 74 tỷ đồng (giảm 3,9%). Lý do là phần lớn các dự án xây dựng trong nửa đầu năm 2021 vẫn bị đình trệ do Covid-19.
Theo các chuyên gia phân tích, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ khi có tiềm năng lớn. Đơn cử như điện gió ngoài khơi có tiềm năng khai thác lên tới gần 160GW nhờ vùng biển rộng lớn, sức gió lớn, số giờ vận hành trong năm cao.
Tính đến hết năm 2020, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 25% tổng công suất toàn hệ thống 69.000MW. Trong đó, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất đạt công suất lắp đặt trên 8.800MW, điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt gần 9.300MW còn điện gió đạt công suất lắp đặt 511MW.
Trong dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII), tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể lên tới 855GW, trong đó đáng kể nhất là điện mặt trời (khoảng 434GW) và điện gió (khoảng 375GW). Dư địa tăng trưởng tính ra còn rất lớn để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Theo Công ty Chứng khoán ACBS, trong khi mảng cơ khí và điện tiếp tục đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn quay trở lại của Covid-19 thì các mảng năng lượng sạch và văn phòng cho thuê sẽ trở thành bệ đỡ cho REE trong các năm tới.
Cụ thể theo REE, vẫn còn tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là ở miền Nam, nơi không có đủ nguồn cung năng lượng, ít nhà máy thủy điện và các dự án điện mặt trời rải rác. Trong tương lai, REE sẽ chọn lọc hơn trong việc lựa chọn khách hàng cho khoản đầu tư 60MWp tấm pin năng lượng mặt trời của công ty, ưu tiên những khách hàng tiêu thụ ít năng lượng hơn trong giờ cao điểm.
Ở mảng điện gió, mới đây hai nhà máy phong điện ở Bình Thuận và Ninh Thuận của công ty đã nhận 57 triệu USD cho vay ưu đãi từ công ty tài chính quốc tế IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới. “Chúng tôi tin tưởng rằng hỗ trợ của IFC sẽ giúp REE hiện thực hóa thành công chiến lược xanh hóa danh mục đầu tư ngành điện của chúng tôi trong những năm tới. Việc REE đáp ứng được những tiêu chuẩn tài chính, môi trường và xã hội của IFC đã cho thấy sự sẵn sàng và tiên phong của REE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình - Phó tổng giám đốc REE cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận