Quý IV sẽ là đỉnh đáo hạn trái phiếu năm nay với hơn 81.000 tỉ đồng
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 207 nghìn tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.
Năm 2023 là năm có lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn cao gấp gần 2 lần so với năm 2022. Sang năm 2024, theo ước tính từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn là khoảng 207 nghìn tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Số liệu này đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn và các trái phiếu được gia hạn kỳ hạn theo công bố đến hết ngày 10.1.2024.
Trong đó lớn nhất là nhóm bất động sản chiếm 59,3% tổng giá trị đáo hạn. Theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng chiếm 29,2%. Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2023, giá trị đáo hạn của nhóm bất động sản tăng 23,7% và nhóm tài chính – ngân hàng tăng 69%.
Quý IV/2024 sẽ ghi nhận lượng trái phiếu đáo hạn theo quý cao nhất 2 năm gần đây.
"Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới. Do đó áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024" - Chuyên viên phân tích Nguyễn Bá Khương từ VNDIRECT chia sẻ.
Đặc biệt, ông Khương nhấn mạnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm tới có thể trầm lắng trở lại nếu không có chính sách hỗ trợ thay thế cho Nghị định 08 hết hiệu lực từ ngày 31.12.2023.
"Việc áp dụng các quy định này là cần thiết để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nhằm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong dài hạn. Tuy vậy, Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành một số chính sách hỗ trợ khác thay thế cho Nghị định 08 đã hết hiệu lực để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững. Tôi kỳ vọng rằng với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024" - ông Khương cho biết.
Trước đó, vào tháng 10.2023, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép gia hạn ngưng hiệu lực thi hành của các điều khoản trên đến hết ngày 31.12.2024, thay vì đến hết ngày 31.12.2023.
Tuy nhiên ý kiến của Bộ Tài chính, sau hơn 8 tháng triển khai Nghị định 08, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65 nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.
Về quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 3 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật. Trong đó có 1 doanh nghiệp có cổ đông góp vốn thành lập là tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Moody’s, 2 doanh nghiệp còn lại đang có sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật từ S&P và Fitch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận