Quý 2 lãi tốt, Petrolimex vượt kế hoạch năm
Doanh thu tăng mạnh giúp Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) tăng trưởng lãi ròng trong quý 2/2024, đồng thời kết quả lũy kế đã vượt kế hoạch năm.
Các chỉ tiêu kinh doanh của Petrolimex trong quý 2/2024
Nguồn: VietstockFinance
Quý 2, PLX chứng kiến doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ, đạt gần 74 ngàn tỷ đồng. Trừ giá vốn, Doanh nghiệp lãi gộp hơn 4.6 ngàn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 18%.
Về các chỉ tiêu khác, chi phí tài chính tăng 5%, lên 373 tỷ đồng, dù đã giảm được chi phí lãi vay tới 23%. Chi phí bán hàng tăng 8% lên hơn 3.2 ngàn tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15% lên 253 tỷ đồng. Đáng chú ý, Petrolimex ghi nhận 121 tỷ đồng lợi nhuận khác, gấp 3 lần cùng kỳ.
Sau cùng, Doanh nghiệp lãi ròng gần 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PLX đạt gần 149 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 2.3 ngàn tỷ đồng, tăng 59%. So với kế hoạch năm, Doanh nghiệp thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu và vượt 1.5% chỉ tiêu lãi trước thuế được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Nguồn: VietstockFinance
Tại cuối tháng 6, giá trị tổng tài sản của PLX gần 74 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đầu năm 7%, giảm khoảng 6 ngàn tỷ đồng; với gần 53.4 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, giảm 7%. Trong đó, hơn 26.7 ngàn tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, giảm khoảng 12%. Tồn kho tăng nhẹ, đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng.
Thời điểm này, Doanh nghiệp có khoảng 6.7 tỷ đồng giá trị gốc chứng khoán kinh doanh, và đang lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn gần 44.7 ngàn tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Sức khỏe tài chính tương đối vững với hệ số thanh toán hiện hành khoảng 1.19 lần. Dù hệ số thanh toán nhanh chỉ đạt 0.86 lần, nhưng với đặc thù tồn kho của ngành xăng dầu thì không phải chuyện đáng lo ngại.
Hầu hết nợ vay của PLX là vay ngắn hạn, ghi nhận 17 ngàn tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Vay dài hạn 596 tỷ đồng, giảm 8%.
Về triển vọng, theo VietCap, dựa trên việc Bộ Công Thương thông qua phương án tăng chi phí định mức cho mỗi lít xăng và dầu diesel vào ngày 04/07 (từ 60 đồng lên 140 đồng và 1,140 đồng), điều này có thể giúp tăng giá xăng dầu. Mức tăng trên có thể giúp cải thiện khả năng trang trải chi phí kinh doanh thực tế của PLX. Ngoài ra, Doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi trong dài hạn từ việc mở rộng phân phối nhiên liệu máy bay khi Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) bắt đầu hoạt động.
Tại ĐHCĐ 2024, PLX đã chia sẻ kế hoạch cung cấp nhiên liệu máy bay cho các hãng hàng không tại LTA trong kế hoạch kinh doanh 2020-2030. Mảng phân phối nhiên liệu máy bay phản lực đóng góp trung bình khoảng 10% vào lợi nhuận của PLX trong giai đoạn 2019-2023 thông qua công ty con Petrolimex Aviation do PLX sở hữu 59%. Ngoài ra, trong cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, PV OIL cho rằng việc tham gia kinh doanh nhiên liệu máy bay là rất khó khăn, vốn đang bị thống trị bởi Skypec và Petrolimex Aviation, cho thấy vị thế cạnh tranh của PLX trong hoạt động kinh doanh này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận