Giải thích thuật ngữ
Hệ số thanh toán hiện hành
Hệ số thanh toán hiện hành là hệ số thanh khoản đo lường khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn trong vòng một năm của một công ty. Hệ số thanh toán hiện hành cho các nhà đầu tư và các nhà phân tích biết cách một công ty sử dụng tài sản ngắn hạn để chi trả các khoản nợ hiện tại và các khoản phải trả khác.
Hệ số thanh toán hiện hành gần với mức trung bình của ngành hoặc cao hơn một chút thường được coi là tỷ lệ hợp lí. Hệ số thanh toán hiện hành thấp hơn mức trung bình của ngành có thể cho thấy công ty đang gặp rủi ro hoặc có khả năng vỡ nợ cao hơn. Tương tự, nếu một công ty có hệ số thanh toán hiện hành rất cao so với các công ty cùng ngành, điều đó cho thấy ban lãnh đạo có thể đang sử dụng tài sản không hiệu quả.
Hệ số thanh toán hiện hành đo lường mối tương quan giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán hiện hành còn được gọi là tỷ lệ vốn lưu động.
- Hệ số thanh toán hiện hành so sánh tất cả tài sản ngắn hạn của một công ty với các khoản nợ ngắn hạn.
- Tài sản ngắn hạn là tiền mặt hoặc sẽ được chuyển thành tiền mặt trong vòng 1 năm, và nợ ngắn hạn là các khoản nợ sẽ được thanh toán trong vòng 1 năm.
- Hệ số thanh toán hiện hành giúp các nhà đầu tư hiểu thêm về khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn của công ty bằng tài sản ngắn hạn và là chỉ tiêu so sánh với các đối thủ cạnh tranh và các công ty cùng ngành.
- Nhược điểm của hệ số thanh toán hiện hành là khó so sánh giữa các nhóm ngành, khái quát hóa quá các số dư tài sản và nợ và thiếu thông tin về xu hướng biến động.