Quý 2 gấp đôi doanh thu, vì sao Taseco Land vẫn lỗ?
CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (UPCoM: TAL) lỗ ròng quý 2 gần 5 tỷ đồng, trong khi doanh thu gấp đôi cùng kỳ gần 600 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu, lãi gộp quý 2 của TAL cũng gấp đôi cùng kỳ, ghi nhận 147 tỷ đồng, nhờ giá vốn tăng ít hơn.
Tuy nhiên, bất lợi lại nhiều hơn. Chẳng hạn như, nguồn thu từ hoạt động tài chính giảm hơn một nửa còn gần 10 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 186% lên 65 tỷ đồng; riêng lãi vay gần gấp đôi, hơn 40 tỷ đồng.
Doanh thu tăng khiến loạt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng biến động mạnh, lần lượt đội lên 82% và 24%, ghi nhận 11 tỷ đồng và 55 tỷ đồng. TAL cũng không còn thu từ lợi nhuận khác.
Doanh nghiệp bất động sản chịu lỗ ròng 4.7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 16.6 tỷ đồng. Kết quả đáng thất vọng này khiến lãi ròng lũy kế 6 tháng vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng, giảm 85%. TAL mới thực hiện được 3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Ngược lại, doanh thu nửa đầu năm tăng 81%, đạt 908 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chuyển nhượng bất động sản 539 tỷ đồng, gấp 2.3 lần. Công ty đi được 30% chặng đường doanh thu mục tiêu cả năm.
Nguồn: VietstockFinance
Đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản TAL giảm nhẹ so với đầu năm, còn gần 9.7 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho 3.7 ngàn tỷ đồng và gần như không “nhúc nhích”, chiếm khoảng 38% tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền 146 tỷ đồng, mất một nửa.
Quý 2, thành phẩm bất động sản tiếp tục giảm mạnh ở một số dự án như Alacarte Hạ Long, giảm 39 tỷ đồng so với cuối quý 1, còn 116 tỷ đồng; tồn kho dự án N01-T6 Đoàn Ngoại giao còn hơn 10 tỷ đồng, giảm thêm 47 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn 1.4 ngàn tỷ đồng, tăng không đáng kể, nhưng phải thu ngắn hạn khác tăng thêm 169 tỷ đồng, ghi nhận 238 tỷ đồng, chủ yếu từ số tiền đặt cọc đấu thầu dự án 159 tỷ đồng. Phải thu về cho vay dài hạn giảm 513 tỷ đồng, còn 318 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang các dự án gần như không biến động. Duy có dự án khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn 3 - Hà Nam tăng từ 22 tỷ đồng lên 409 tỷ đồng, phần lớn trong quý 2. Phải trả khác vẫn duy trì hơn 1.1 ngàn tỷ đồng nhưng khoản nhận góp vốn đầu tư và lợi nhuận phân chia thực hiện dự án bất động sản giảm 197 tỷ đồng còn 888 triệu đồng.
Trong kỳ, doanh nghiệp bất động sản tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư và Dịch vụ Yên Bình từ 74% lên 84%, sau khi nhận chuyển nhượng từ một cổ đông khác 12.3 tỷ đồng. Công ty con hoạt động chính trong lĩnh vực hoàn thiện công trình xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, điều hòa cho công trình xây dựng.
Thành lập mới CTCP Taseco Hải Phòng hoạt động trong mảng bất động sản với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu dự kiến của TAL là 50.5% nhưng hiện Công ty chưa góp vốn vào công ty con này.
Đầu tháng 7, HĐQT TAL quyết định giải thể CTCP Thương mại Hải Hà do doanh nghiệp không còn nhu cầu tiếp tục kinh doanh. Hải Hà có trụ sở tại khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi, phương Đông Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Công ty hoạt động trong mảng đầu tư và kinh doanh bất động sản. Đến cuối quý 2, TAL đang sở hữu 35% vốn Hải Hà cùng số tiền đầu tư khoảng 7.8 tỷ đồng.
Lãnh đạo TAL mới đây phê duyệt vay vốn tối đa hơn 1 ngàn tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Hà Nội. Thời hạn vay tối đa 3 năm.
Hồi tháng 5, Doanh nghiệp cũng quyết định vay hơn 1.7 ngàn tỷ đồng trong vòng 5 năm tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Sở Giao dịch 1. Số tiền dùng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn 3 phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận