menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Hoàng

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

"Doanh nghiệp sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng muốn thay đổi chính sách để phát triển dài hơn hơn", GS. Đặng Hùng Võ nói tại hội thảo "Tiêu điểm Bất động sản quý I - Xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019".

Phát biểu khai mạc hội thảo "Tiêu điểm Bất động sản quý I - Xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019"diễn ra tại Trung tâm hội nghị FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá đang diễn ra, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE cho biết, bất động sản có vai trò quan trọng, có quan hệ trực tiếp với chứng khoán, tài chính, bất động sản có vai trò rất rõ trong phát triển du lịch và thu hút FDI. Quý I/2019, trong 18 lĩnh vực thu hút FDI, bất động sản đứng thứ 2. Báo cáo kinh tế xã hội quý I/2019 của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh bất động sản tăng trưởng 4,75% so với cùng kỳ. Đánh giá thị trường trong 3 tháng đầu năm, nhận định quý còn lại.

Trên đà ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng sẽ có những bước phát triển thuận lợi. Tuy nhiên thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chính sách quy hoạch, pháp luật, nguồn vốn, quỹ đất,…

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE

"Hôm nay, chúng tôi mời đến các chuyên gia về bất động sản, có đến 3 chuyên gia tên Quang, hy vọng về một triển vọng sáng cho thị trường bất động sản. Ban tổ chức mong muốn được đón nhận thêm ý kiến, phân tích, đánh giá của các bộ ngành, chuyên gia kinh tế nhằm giúp các đại biểu có cái nhìn đa chiều, khách quan về triển vọng bất động sản 2019. Đây là chuyên đề đầu tiên trong chuỗi chuyên đề chuyên sâu được tổ chức hàng quý với kỳ vọng tổ chức hội thảo lớn hơn tổ chức vào cuối năm", ông Tuấn nói.

Phiên 1: Toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2019

Trước khi phiên thảo luận 1 bắt đầu, hội thảo đã lấy khảo sát ý kiến của những người tham gia hội thảo, kết quả khảo sát, theo TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế tổng kết, đất nền vẫn sôi động trong quý I, chung cư đứng thứ 2 là nền tảng cơ bản. Chúng ta quên mất một lĩnh vực, tôi có cảm nhận đánh giá có vẻ hơi thấp là bất động sản khu công nghiệp, lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Đối với câu thứ 2 thị trường bất động sản tỉnh, thành phố nào có sức hấp dẫn nhất thời gian qua, đúng như dự báo, xu hướng bất động sản năm nay sẽ dịch chuyển sang nhiều tỉnh thành khác. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng không còn là điểm nhấn duy nhất của các nhà đầu tư bất động sản mà bên cạnh đó còn có Quảng Ninh, Khánh Hòa và còn nhiều nơi khác: Bình Thuận, Vũng Tàu…

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Đối với câu hỏi thứ 3, hạng mục chung cư nào có sức tiêu thụ tốt nhất, đánh giá trên thị trường của các báo cáo mới nhất, tỷ lệ thành công và giao dịch nhiều nhất là chung cư hạng B, tầm trung. Lý do là chung cư giá rẻ nhiều người quan tâm nhưng lượng cung ít.

Theo ông Thành, đáng lẽ phải có thêm lựa chọn chung cư dành cho người siêu giàu (200 triệu/m2). Đây là một phân khúc nên được tách riêng. Có thể trùng với chung cư cao cấp, khá sôi động cuối năm ngoái và đầu năm nay.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng bình luận, cũng như nhiều năm, quý I thường là quý thị trường bất động sản trầm lắng hơn so với các giai đoạn sau. Trong 3 tháng mất hơn 1 tháng rơi vào Tết, đương nhiên, kinh doanh bất động sản trầm lắng hơn, đó là nhìn nhận chung trong vài ba năm trở lại đây.

Trong quý I/2019, có hai xu thế: cao cấp trầm lắng hơn, trung bình sôi động, đối với mảng cao cấp nguồn cung còn hạn chế nên dẫn đến giao dịch khó sôi động. Thứ ba, trong thời gian qua, loại hình đất nền cũng tạo ra sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Trong thời gian qua, một số địa phương nổi lên hình thức giao dịch đất nền tại khu vực ven hoặc khu vực dự kiến được nâng cấp.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL tại Hà Nội cho biết, trong quý I, sự kiện cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump gặp lãnh đạo Triền Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội, đẩy Việt Nam lên headline của truyền thông thế giới, coi như sự kiện marketing cho kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng trong đó thành phần hưởng lợi nhất là du lịch. Sự kiện cũng kích thích nhiều người tò mò đến du lịch Việt Nam. Bất động sản công nghiệp được nhà đầu tư để mắt rất nhiều. Sự kiện có thể sẽ tác động đến thị trường bất động sản hết năm và các năm tiếp theo.

Thị trường có vẻ trầm lắng trong quý I là vấn đề truyền thống do nghỉ lễ. TP.HCM đi theo xu hướng trầm lắng hơn là do 2018, TP.HCM có rất nhiều dự án quá trình phê duyệt bị kéo dài quá. Điều này thể hiện rằng, năm 2018, giải ngân cho dư nợ tín dụng của toàn thành phố thấp hơn các năm trước chỉ ở mức khoảng 14,3%. Sự trì trệ đó kéo theo thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu quan sát chỉ số PCI- chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Ninh, Đà Nẵng được quan tâm đặc biệt đều là những nơi có chỉ số này cao và được duy trì nhiều năm. Trong chỉ số này có phần đánh giá khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Sự quan tâm rất nhiều đến thị trường đất nền, theo thống kê, mức độ quan tâm cao nhưng khối lượng giao dịch thực tế không đáng kể so với chung cư (Hà Nội: 400 căn trong quý I). Thực tế, lượng giao dịch chiếm tỷ trọng không đáng kể so với tổng giao dịch.

Tại Hà Nội, lượng bán hơi tăng do một vài dự án đặc biệt: ở Gia Lâm, Đại Mỗ… Sức hấp thu tương đối tốt, đẩy sức hấp thu lên khá ổn. Số lượng giao dịch thành công tăng tương đối ổn. 75-76% căn hộ giá bình dân, còn lại là trung cấp, cao cấp.

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Ảnh BizLIVE

Đánh giá về thị trường bất động sản quý I, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trên tay ông có những dữ liệu về tình hình giao dịch của quý I do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổng hợp, trong quý I/2019, các con số đều sụt giảm như nhiều đơn vị đã công bố, tổng lượng giao dịch thành công cũng không cao. Tại Hà Nội trong quý I có 5.206 sản phẩm mới được chào bán ra thị trường, nhưng giao dịch thành công chỉ đạt có 3.200 sản phẩm, sức hấp thụ thấp hơn nhiều so với quý IV/2018.

Còn tại TP.HCM, trong quý I, có 3.274 sản phẩm chào bán, trong đó, có gần 3.000 giao dịch thành công.

Những con số sụt giảm cả về lượng sản phẩm mở bán và giao dịch thành công tại hai thị trường bất động sản đầu tàu của cả nước cho thấy sự giảm tốc của thị trường bất động sản so với những năm gần đây, nhất là các năm 2017-2018. Trong năm nay, ngay từ quý I các con số cũng giảm so với cùng kỳ năm trước và so với quý IV/2018.

Ông Đính cũng cho biết, đối với TP.HCM, lượng cung phản ánh đúng thực trạng của thị trường. Hiện nay nguồn hàng từ các dự án không phải không có, thậm chí có nhiều, nhưng việc đủ điều kiện chào hàng lại đang gặp nhiều khó khăn.

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Khó khăn này xuất phát từ các cơ quan quản lý. Các dự án đang khẩn trương chào bán để thu hồi vốn, tuy nhiên việc phê duyệt các dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng cho đến dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường giao dịch đều đang nằm hồ sơ tại các cơ quan chuyên môn của thành phố Hồ Chí Minh, đấy là lý do mà khu vực phía Nam các tỉnh xung quanh TP.HCM hưởng lợi, các đơn vị kinh doanh tạm thời phải dạt sang các địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Yên Hòa.

Tại Hà Nội, giao dịch các dự án không đến mức trầm lắng như thành phố Hồ Chí Minh nhưng tốc độ chậm lại. Hiện nay chúng ta đang có guồng quay của hệ thống, đó chính là việc rà soát lại. Chúng ta từng có giai đoạn phát triển nóng, các dự án đồng loạt phát triển, tuy nhiên sau đó, hết giai đoạn nóng, chúng ta phát hiện ra nhiều điều chưa chuẩn, hiện đang rà soát lại. Vì vậy trên cả nước đều đang có sự rà soát, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 điểm lớn nhất của sự chậm đưa hàng ra thị trường.

Số liệu từ Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, lượng hàng đủ điều kiện bán, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hơn 1.000 sản phẩm, Hà Nội khoảng 3.000 sản phẩm đủ điều kiện giao dịch trên thị trường. Vấn đề khác đó là khó khăn đến từ dòng vốn tín dụng. Bắt đầu từ khi thông tư 32 chính thức được thực hiện từ quý 1/2019, đây chính là nguyên nhân tác động rất mạnh và rõ nét, nhà đầu tư thứ cấp gần như hoạt động chững hẳn lại vì họ không tiếp cận được vốn, không vay đc tiền để đầu tư, không chỉ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước.

Quý 1/2019, truyền thông nói nhiều về Vân Đồn, Quảng Nam, Đà Nẵng. Vân Đồn: 165 giao dịch Vương Long Phương Đông. Sốt nóng, giá ảo lên nhưng chúng tôi đánh giá phần lớn việc rao giá chỉ từ phía các nhà đầu tư thế nhưng khách hàng khi tình hình đang nóng khách hàng chững lại để xem xét thăm dò xem tình hình như thế nào. Rõ ràng một khi giá lên ào ào chúng ta cũng sẽ phải bình tĩnh xem xét như thế nào. Đó là những vấn đề rất cơ bản của quý 1/2019.

Đại diện Thanh Hoá, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong tình hình chung cả nước, quý I số lượng giao dịch thấp hơn là do số lượng sản phẩm đưa ra hiện nay tương đối phong phú như của Tập đoàn FLC, VINGROUP, EUROWINDOW. Về phân khúc đất nền nhu cầu rất nhiều kể cả người dân và nhà đầu tư. Về phần chung cư, trong những năm gần đây tương đối tốt, mạnh, tập trung vào giá rẻ. Phân khúc nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp thì khá lớn.

Các nhà đầu tư vào bất động sản ở Thanh Hóa đến chủ yếu là ở Hà Nội.

Bổ sung thông tin về vấn đề này, ông Thành nói thêm: Quý I rất đặc biệt đối với nhà quản lý, đầu tư và người mua. Đầu năm nay, mặc dù có cảm giác lo ngại một chút do môi trường bên ngoài như tăng trưởng thế giới bất định. Song kết quả thực tế có vẻ làm chúng ta bớt lo ngại hơn, tích cực hơn với tăng trưởng vẫn đạt 6,8%. Với bất động sản không quá lo ngại như cách đây hơn 2 -3 tháng.
Theo ông Thành, giao dịch bất động sản trầm lắng vì nhiều lý do: chu kỳ, phải rà soát nhiều vấn đề chính trị xã hội, những lo ngại, bất định ở thế giới vẫn còn có thể tích cực hay bất định.

"Các giao dịch thực tế có vẻ đang trong trạng thái chờ đợi. Đối lập với đó, có sự nổi lên hào hứng hơn vào bất động sản khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài thường có tầm nhìn rộng hơn, dài hạn hơn trong khi nhà đầu tư trong nước có vẻ mạnh hơn về nguồn vốn ngắn hạn hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra quan tâm dài hạn đến bất động sản Việt Nam.

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa

Về hoạt động của từng phân khúc bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, ông Thành đặt câu hỏi: Tại sao thông tin sốt đất nền tại nhiều nơi như TP.HCM, Phú Quốc, Vân Đồn,… thậm chí đã có những cảnh báo nhưng vẫn lặp lại những câu chuyện liên quan đến sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư, sự tắc trách của cơ quan quản lý, đầu tư theo tâm lý bầy đàn,…?

Về vấn đề này ông Khởi cho rằng, khoảng hai năm trở lại đây phân khúc đất nền nổi lên. Có hai dạng đất nền được quan tâm, thứ nhất là đất nền tại các dự án được đánh giá đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, nên các nhà đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Nếu như trước đây các nhà đầu tư này chủ yếu đầu tư chung cư, nay họ chuyển sang đầu tư đất nền vì họ nhận thấy rằng đầu tư đất nền nhiều lợi nhuận và an toàn hơn.

Thứ hai, là thông tin đầu tư đất nền ở những khu vực có khả năng nổi sóng (thông tin quy hoạch từ huyện lên quận, lên thành phố, hạ tầng giao thông,…). Ở loại hình đất nền này, sốt đất có một phần của chính quyền địa phương, một phần là do môi giới, có giao dịch mời có nguồn thu, nên nhiều môi giới đẩy lên thành sốt đất, khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn. Câu chuyện này đã diến ra ở nhiều nơi như Phú Quốc, Vân Đồn,...

Tâm lý chuyển đổi đầu tư, hàng trăm căn hộ đầu tư đang bị đình trệ, đang phải rà soát lại do chính các nhà đầu tư và chính quyền địa phương nên nguồn cung thiếu, đặc biệt là nguồn cung có thể đem lại lợi nhuân. Do đó, các chủ đầu tư chuyển sang đầu tư đất nền cần ít vốn hơn chỉ cần đầu tư vào hạ tầng các nền đất, phân lô bán nền.

"Do đó, khi nào thông tin rõ ràng minh bạch ví dụ sáp nhập tỉnh thành, lên thành phố, lên quận thì thị trường mới bớt sốt ảo, và không chạy theo tin đồn theo tâm lý đám đông", ông Khởi nói.

Trước giả định của ông Thành về việc nếu như tin đồn 3 tháng sau thành thật thì sao, ông Khởi cho rằng, độ trễ của thông tin thị trường bất động sản thường rất lâu. Thường hai năm sau mới thành thật, trong khi con sốt chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nếu như một năm sau mà thông tin đẩy sốt đất không thành thật thì sốt đất sẽ xẹp ngay.

Chốt lại vấn đề này, ông Thành cho rằng, tóm lại các nhà đầu tư nên cố gắng nấn ná cùng thông tin quy hoạch thị trường bất động sản, không nên nóng vội chạy theo thông tin ảo.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, theo quan sát, nếu người ta vẫn lao vào chứng tỏ vẫn có người thắng. Vậy theo kinh nghiệm mà ông Đính có được, số người thắng nhiều hơn hay số người thua nhiều hơn, TS. Thành đặt câu hỏi.

Ông Đính cho rằng: Nhà đầu tư phát triển hay nhà đầu tư thứ cấp đều có mục đích chung là sinh lời, mục tiêu sinh lời với nhà đầu tư thứ cấp thì lợi càng nhiều càng tốt. Vấn đề về minh bạch thông tin tại các địa phương hiện nay vẫn rất yếu. Hiệp hội bất động sản đã có nhiều chương trình để ngồi nói với nhau về việc làm thế nào để có những báo cáo tốt nhất về thị trường bất động sản.

Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều nghị định về vấn đề này, nghị định 117 quy định tất cả các địa phương trong giai đoạn 2017 và 2018 phải có báo cáo thị trường đưa ra được các vấn đề về phát triển, định hướng kinh tế, thị trường đi theo thế nào, lượng nhà buôn bán ra làm sao, tất cả cần phải được kê khai công bố trên hệ thống cổng thông tin địa phương và chính phủ. Rõ ràng cái này đang thiếu, vì vậy nó tạo ra sự mập mờ về thông tin.

Tin đồn tạo ra cơ hội, nhà đầu cơ mà thấy có cơ hội từ tin đồn, có lợi cái là người ta lao vào. Nếu cuối cùng khi thông tin không đúng, người ta sẽ phải tìm cách để tháo hàng ra. Ví dụ tin đồn sắp có khu đô thị, sân bay, trung tâm thương mại sẽ phát triển, người ta sẽ lao vào, thị trường không kiểm chứng được tin đồn, rõ ràng nếu tỉnh công bố công khai người ta mới có cái kiểm chứng.

Vì vậy tạo ra cơ hội cho các nhà đầu cơ trót đầu tư sai cố gắng dùng hết công nghệ này công nghệ kia để tạo ra thông tin giả mạo. Rõ ràng, hiện tượng này không phải chỉ ở một nơi mà xuất hiện tại rất nhiều hơn. Cả nước cứ một thời gian ở đâu đó lại có thông tin kiểu như thế này do truyền thông đưa lên.

Cuối cùng loanh quanh toàn nhà đầu cơ với nhau chứ người tiêu dùng thực sự rất ít. Người tiêu dùng có nhu cầu thực sự giờ cũng có hiểu biết, có kiến thức cơ bản rồi, có nhiều đơn vị tư vấn chuyên nghiệp rồi, họ sẽ có lời khuyên, tư vấn chuẩn mực. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ luôn lắng nghe và tìm hiểu. Còn những người chộp giật sẽ bị mắc cạn. Phần lớn người đầu cơ sẽ thua thiệt so với nhà đầu tư chân chính.

Đối với phân khúc mà ông Thành quan tâm là căn hộ bình dân (giá rẻ) mà Thanh Hóa chủ yếu tập trung vào, ông Nguyễn Mạnh Tuấn có một số chia sẻ: Đối với phân khúc giá bình dân, Thanh Hóa có quy hoạch, định hướng cụ thể đối với nhà ở cao tầng, nhà ở xã hội. Các nhà đầu tư ngoại tỉnh có tiềm lực tài chính, nhân lực,… đến đầu tư tại Thanh Hóa sẽ được hưởng lợi khi giá đất ở Thanh Hóa khá rẻ và nhu cầu về bất động sản rất lớn. Thanh Hóa cũng đã hỗ trợ về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh đối với chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội.

“Quý 2/2019 thị trường bất động sản sẽ không thể bùng lên, phải chờ đến quý 3, 4”

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Hà Nội

Đối với nhiều phân khúc chung cư, cao cấp, đất nền, nghỉ dưỡng, liền kề, biệt thự, văn phòng, bất động sản công nghiệp các chuyên gia cũng đã đưa ra các dự báo trong quý II/2019, phân khúc nào sẽ đáng được quan tâm nhất, dự nào nào nổi bật nhất.

Theo ông Đặng Văn Quang, phân khúc căn hộ bình dân, còn giá rẻ khó đánh giá như thế nào là rẻ. Tại Hà Nội, có 2 dự án lớn ở Gia Lâm và Đại Mỗ. Những dự án này có nhiều hỗ trợ tốt như vay vốn, trả góp kéo dài 30-35 năm, đang thiết kế tương đối nhiều căn hộ nhỏ để phù hợp với xu hướng quy mô gia đình càng ngày càng nhỏ.

Trong khi đó, ông Đính cho rằng, phân khúc căn hộ, tại các thành phố lớn, nhiều người giàu lên, nước ngoài đến nhiều họ cần phân khúc cao cấp. Đối với các tỉnh, văn hóa sở hữu là đất nền. Nếu các tỉnh chưa hướng đến đô thị văn minh với nhà cao tầng cho người lao động, người dân mà các tỉnh hiện chủ yếu tập trung vào nhà ở xã hội vì hiện nó phù hợp với công nhân tại các tỉnh thành.

Tuy nhiên, sẽ có những tầng lớp khác, lao động khác thậm chí đến từ nước ngoài đến mà chúng ta cần những đô thị hiện đại để đáp ứng.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng: Hiện tại đang là đầu quý II/2019, hiện nay nguồn cung cơ bản vẫn đang thiếu, dự án chưa bung hàng được do cơ hội đầu tư. Trên thực tế, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển các dự án nhà chung cư mà chỉ quan tâm đến chung cư bán nền, qua nhận định chúng tôi thấy rằng nhà chung cư chỉ tập trung ở các thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ngay cả Hải Phòng, dự án đất nền cũng chiếm đa số.

"Trong quý II/2019, theo tôi phân khúc được quan tâm nhiều hơn sẽ vẫn là chung cư bình dân. Hiện nay, nhà nước đang quan tâm đến chính sách nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nên định nghĩa đây là giá thấp chứ không phải rẻ vì so sánh giữa các địa phương rất khó. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến điều này. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đất nền để ra hàng", ông Khởi nói.

Bổ sung thông tin cho câu hỏi này, ông Đặng Văn Quang cho rằng: Hầu hết người dân châu Á đều muốn quan tâm đến đất nền. Chung cư nhìn chung dành cho người chưa đủ thu nhập để mua đất nền. Hầu hết chung cư dành cho người chưa đủ khả năng mua đất nền như họ mong muốn. Từ trước đến nay tại Việt Nam, sản phẩm đất nền ra thị trường rất hạn chế, các dự án có đất nền thường ở xa, vùng ven trong khi người dân chủ yếu dùng xe máy. Gần đây, hạ tầng tại Việt Nam đang cải thiện, sự mở rộng của đô thị lan ra, cộng thêm việc chi trả của người dân cho phương tiện tốt hơn, vì vậy người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến đất nền.

Chốt lại phiên 1, TS.Võ Trí Thành cho rằng, đầu tư tùy thuộc vào khẩu vị của bạn, túi tiền, thời gian của bạn, cách bạn có túi tiền của bạn. Và ngoài ra bạn cũng có thể cuốn hút cùng các cơn sóng, điều hạn chế rủi ro nhất chính là trong đầu tư bất động sản hãy nhìn vào cái đích cuối cùng là người tiêu dùng muốn gì: cách sống, lối sống, thu nhập và văn hóa của họ.

Phiên 2 – Xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019

Phần khảo sát được thực hiện bởi gần 200 khách mời tại hội thảo, nếu đang có tiền nhàn rỗi, quý II/2019 này sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào trong các kênh dưới đây bất động sản, Gửi ngân hàng, vàng, lập doanh nghiệp, khác. Theo đó, có đến 47% người tham gia khảo sát đã chọn đầu tư vào bất động sản. Tiếp sau đó là gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, vàng.

Dự báo về khả năng tăng trưởng của thị trường bất động sản trong quý 2/2019 so với quý 1/2019, có đến 64% chọn tăng nhẹ, tiếp sau đó là tăng cao nhất trong năm với 15%, giảm nhẹ 12% và 9% chọn đi ngang.

Phân khúc được cho là sẽ dẫn dắt thị trường trong quý 2/2019 được cho là chung cư 38%, đất nền 35%, Bất động sản nghỉ dưỡng 9%, Biệt thự, nhà liền kề 9%, Bất động sản công nghiệp 9%, văn phòng cho thuê là 0%.

Bình luận về kết quả khảo sát, theo ông Võ Trí Thành, không khác nhiều so với kỳ vọng của chúng ta hiện nay. Vì sao tăng nhẹ: Quý 1 sẽ bị tính chu kỳ, thường quý 2 sẽ tốt hơn quý 1. Có người sẽ cho rằng vì chúng ta làm hội thảo bất động sản nên lựa chọn bất động sản nhiều nhất, tuy nhiên trên thực tế khá logic, trong hội thảo gần đây với nhiều người có bằng phân tích tài chính (CFA), khi được hỏi bạn chọn Vn-Index năm nay bao nhiêu, ngưỡng dự báo từ 900 đến 1.100 điểm, điều đó cho thấy họ cũng không thấy họ đánh giá cao kênh chứng khoán.

Mở đầu phiên thảo luận thứ 2, đưa ra dự báo về bất động sản quý II, theo GS. Đặng Hùng Võ, quý 2/2019, thị trường cũng sẽ không thể bùng lên được mà phải chờ đến quý 3 và quý 4/2019. Năm nay cũng không ngoại lệ.

Theo ông Võ, phân khúc nhà ở sẽ được quan tâm. Nhà chung cư mọc lên nhưng chủ yếu bán cho người từ các tỉnh khác đến, nhà ở phân khúc trung bình và giá thấp sẽ vẫn giữ vị trí chủ đạo. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vẫn có tiềm năng nhưng hiện tại phát triển chưa đồng bộ, thế nhưng làm gì để đồng bộ?

Pháp luật hiện nay đang ảnh hưởng khá lớn đến thị trường bất động sản 2019. Bộ Tài Nguyên & Môi trường trình hoãn sửa luật đất đai sang sau năm 2020, nhà ở cho người nước ngoài đã mở toang sau đạo luật năm 2014. Nhà ở thì mở nhưng đất ở không mở, người nước ngoài sẽ đánh giá như thế nào? Liệu có phải chúng ta đang đổi mới giả vở, cho mua nhưng không công nhận quyền sở hữu.

"Doanh nghiệp sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng muốn thay đổi chính sách để phát triển dài hơn hơn, người ta hy vọng được sửa đổi trong tương lai, chính sách này sẽ giúp mang đến sự phát triển. Hiện tại chính sách không đồng bộ, nơi cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng như đất ở như Khánh Hòa phát triển rất tốt nhưng địa phương khác lại không như vậy. Với những gì đã diễn ra, tại sao chúng ta không thay đổi? Cuộc sống luôn biến đổi, không chờ pháp luật. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản 2019", ông Võ nói.

Từ năm 2019, với mục tiêu hướng tới Diễn đàn Bất động sản thường niên có quy mô, bắt đầu bằng chuỗi những chuyên đề chuyên sâu, cập nhật, tổ chức hàng quý, Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư BizLIVE với sự phối hợp bảo trợ truyền thông của VTV24, tổ chức chuyên đề thứ nhất dưới hình thức hội thảo với chủ đề “Tiêu điểm Bất động sản quý I, xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019”, với hai phiên thảo luận:

Phiên 1 –Toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2019

Phiên 2 – Xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019

Hội thảo sẽ có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tổ chức nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực bất động sản, đại diện các doanh nghiệp: Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa; GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam;

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Hà Nội; Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Netland; Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cùng gần 200 khách mời là nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Hội thảo sẽ điểm lại hoạt động của thị trường bất động sản vừa qua, kết quả đạt được, những thuận lợi và vướng mắc, rào cản cần tháo gỡ của thị trường, đồng thời nhận định hướng chuyển động, sức hấp thụ, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Bạn đọc quan tâm xin gửi câu hỏi về địa chỉ thuky@bizlive.vn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả