Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, bổ sung vốn cho Vietcombank
Quốc hội dành cả ngày 4/11 để thảo luận tại hội trường về các nội dung quan trọng như kết quả và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank...
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày 4/11 để thảo luận ở hội trường về các nội dung:
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB).
Thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các nội dung trên đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 26/10. Về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu ra các khó khăn, thách thức và những nội dung còn chưa đạt kỳ vọng như hậu quả của cơn bão số 3, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ năm ngoái...
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 thuộc nhóm dẫn đầu thế giới là kết quả rất đáng khích lệ, khả năng cả năm sẽ hoàn thành 15/15 chỉ tiêu. Kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc của xã hội. Cùng với đó là nỗ lực của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đánh giá, khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều, với các vấn đề chính: Nông nghiệp và du lịch chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3; tăng trưởng xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột, cạnh tranh, bảo hộ của các nước; đầu tư phục hồi chậm; thị trường trong nước chưa được khai thác hiệu quả...
Trước các khó khăn, thách thức đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cụ thể, với các nội dung trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là đột phá của đột phá nếu tháo gỡ được, nhất là theo tinh thần chỉ đạo mới của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; thực hiện hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền...; phát triển thị trường bất động sản; thu hút FDI, các nhà đầu tư chiến lược; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, đổi mới sáng tạo...
Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank, VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật 69/2014/QH13, với mức vốn Nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Theo báo cáo của VCB, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là 27.702 tỷ đồng (tương đương 49,564% vốn điều lệ). VCB đề xuất được tăng vốn điều lệ từ các nguồn trên với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn tỷ lệ 49,5%). Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau. Vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng. Sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của VCB là 83.557 tỷ đồng.
Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào VCB. Số liệu trên đã được kiểm toán xác nhận khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của VCB. Do vậy, Chính phủ thống nhất mức vốn Nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường