Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình giám sát việc phát triển nhà ở xã hội vì đây là vấn đề cấp bách, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Chiều 8/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Một trong hai nội dung giám sát tối cao là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Lý giải việc lựa chọn chuyên đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn, cần tăng cường giám sát để phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đề xuất giải pháp khả thi. Qua lấy ý kiến, 68,83% đại biểu đồng ý đưa nội dung này vào chương trình giám sát.
Báo cáo giải trình tiếp thu, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đề nghị chuyên đề này cần tập trung hơn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy vấn đề này còn rất nhiều bất cập cần được định hình rõ, nhất là về hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế việc trục lợi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm của chuyên đề khi xây dựng kế hoạch chi tiết cho Đoàn giám sát.
Trước đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (chuyên trách Ủy ban Pháp luật) đánh giá kế hoạch xây nhà ở xã hội chưa tốt; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người thụ hưởng chính sách còn khoảng cách rất xa với mục tiêu và nhu cầu đề ra. "Có nơi xây nhà ở xã hội nhưng không có người đăng ký mua, trong khi nhiều nơi thì lại quá đông. Cách xác định trường hợp người mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận khác nhau", ông Hoàn nói.
Đại biểu đề nghị nội dung giám sát của Quốc hội cần tập trung trả lời các câu hỏi: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thời gian qua như thế nào? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách đạt kết quả ra sao?
Bên cạnh nội dung trên, Quốc hội cũng quyết định giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Những dự án này gồm: sân bay Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPCM; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Hai chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát gồm "việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 của Trung ương 7 đến hết năm 2023" và "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Giám sát tối cao là việc Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường