QNS: LNTT 8 tháng đạt 860 tỷ đồng, thực hiện 78% mục tiêu
Trong 8 tháng đầu năm 2021, CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng với doanh thu đạt 5,128 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 860 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Đây là những chia sẻ của ban lãnh đạo CTCP Đường Quảng Ngãi tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư do CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức vào sáng ngày 14/09/2021.
Thực hiện 78% mục tiêu LNTT sau 8 tháng
Theo số liệu do QNS cung cấp, trong 8 tháng đầu năm, QNS có doanh thu đạt 5,128 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. LNTT đạt 860 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Năm 2021, QNS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 8,000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Tuy nhiên, Công ty dự kiến lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 1,100 tỷ đồng và 913 tỷ đồng, cùng giảm 13% so với năm 2020. Như vậy, so với kế hoạch, QNS đã thực hiện được 78% mục tiêu LNTT sau 8 tháng.
Tính riêng mảng đường, sản lượng đường tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm là 77,000 tấn đường, tăng 29% so với cùng kỳ. Doanh thu của hoạt động kinh doanh đường đạt 1,200 tỷ đồng, tăng khoảng 73% so với cùng kỳ. LNTT đạt 192 tỷ đồng.
Về mảng sữa, sản lượng sữa tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm là 183 triệu lít, tăng xấp xỉ 8% so với cùng kỳ. Doanh thu sữa đạt 2,835 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. LNTT của sữa đạt 548 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Phần còn lại là các hoạt động khác như kinh doanh nước khoáng, bánh kẹo, bia.
Lý giải về việc lợi nhuận mảng sữa đậu nành của Công ty giảm trong 8 tháng đầu năm, QNS cho biết nguyên nhân chính là do giá vật tư là đường và đậu tăng mạnh trong năm 2021, nên việc QNS cần làm là tăng sản lượng để bù đắp cho việc gia tăng nguyên liệu đầu vào. Theo đó, trong quý 4 tới đây, QNS vẫn đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ.
QNS cho biết, mặc dù thời gian qua nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng mảng đường và sữa đậu nành của Công ty vẫn phát triển, cho nên kết quả kinh doanh quý 4 của Công ty sẽ không bị ảnh hưởng. Song, mảng bia và mảng bánh kẹo của Công ty sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện tổng công suất của 3 nhà máy của Vinasoy tại Bắc Ninh, Bình Dương và Quảng Ngãi đạt 390 triệu lít. Vinasoy đã nhập đủ nguyên liệu cho sản xuất trong quý 4 và đã thống nhất 2/3 sản lượng cho năm 2022. Tuy nhiên giá nguyên liệu đậu trên thị trường nông sản cho năm 2022 vẫn chưa chốt mà chỉ chốt giá nguyên liệu thu mua từ người nông dân với giá sàn. Hiện tại giá đậu đang đi xuống nên Công ty đang theo dõi thị trường nông sản thế giới, đến thời điểm thích hợp sẽ chốt dần.
Ngoài ra, trong dài hạn, Vinasoy có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu nội địa và đang có kế hoạch tập trung nguồn nguyên liệu tại cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nguồn nguyên liệu được liên tục.
Sẽ lấy thêm thị phần từ sữa lon và chai
Chia sẻ về thị phần của mảng sữa đậu nành, đại diện QNS cho biết con số thị phần về sản lượng sữa đậu nành của Vinasoy cập nhật đến thời điểm cuối tháng 7/2021 là 91.2%, tăng so với cùng kỳ khoảng 21 điểm %. Lũy kế trong 7 tháng, thị phần bình quân là 89.2% về sản lượng sữa đậu nành, tăng 4.1 điểm %. Đây là mức tăng rất cao so với các năm trước.
Đại diện QNS cho biết, theo số liệu của Nielsen kết thúc vào quý 2/2021, lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng và giá trị toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ tăng 0.9%. Trong đó, sản lượng và giá trị ngành sữa và các thức uống từ sữa giảm 1.5%, nghĩa là xu hướng vẫn tăng trưởng âm. Trong ngành sữa của Việt Nam, mảng sữa đậu nành giảm 2.1% trong khi các loại sữa nước khác tăng 1.2%, nghĩa là toàn ngành vẫn tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Vinasoy vẫn tăng trưởng nhờ vào việc tăng được thị phần cũng như tốc độ tăng của Vinasoy cao hơn tốc độ tăng của ngành.
Nói thêm về việc gia tăng thị phần mảng sữa đậu nành của Vinasoy trong thời gian tới, ban lãnh đạo QNS cho biết, nhóm thị phần có thể lấy thêm là nhóm các sản phẩm sữa bằng lon và chai ở thị trường Việt Nam. Trong thời gian qua, Vinasoy cũng có nghiên cứu về các nhóm sản phẩm này. Các thị phần ở miền Bắc và miền Trung thì Vinasoy đang chiếm tuyệt đối. Do đó, mục tiêu của Công ty trong quý 4 là tiếp tục duy trì thị phần ở mức 90% là con số lý tưởng. Còn vấn đề tăng trưởng miếng bánh ngành sữa đậu nành chỉ phụ thuộc vào khả năng mở rộng nhu cầu của người dùng thông qua công tác truyền thông, xây dựng thêm nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ở nhiều phân khúc khách hàng.
Về vấn đề xuất khẩu sữa đậu nành, QNS cũng chia sẻ thêm, chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của Vinasoy là tập trung xuất khẩu vào các nước có lượng tiêu thụ sữa đậu nành cho người lớn cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
QNS sẽ hợp tác với Nutifood trên cơ sở có lợi cho 2 Công ty
Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về vấn đề M&A liên quan đến QNS trong thời gian gần đây, đại diện QNS lý giải, sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thì HĐQT của QNS có sự thay đổi từ 5 thành viên lên 6 thành viên HĐQT.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã trúng cử vị trí Thành viên HĐQT độc lập. Ông Nguyễn Văn Đông đại diện cho nhóm cổ đông với 29.35 triệu cp QNS, tương ứng 8.22% vốn cổ phần.
Trước đây, HĐQT QNS có 5 thành viên và hiện nay thêm 1 thành viên HĐQT độc lập là điều tốt vì gia tăng thêm thành viên HĐQT càng thể hiện tính minh bạch và không ảnh hưởng đến hoạt động của QNS trong thời gian này vì tỷ lệ mà thành viên HĐQT độc lập đại diện không đủ chi phối đối với Công ty.
Về nhóm cổ đông Nutifood đang nắm 9.54% vốn QNS, trong đó, cùng kinh doanh trong lĩnh vực nước uống, sữa đậu nành, Nutifood cũng tiêu thụ lượng đường RE lớn. Với dây chuyền đường RE của QNS có chất lượng sản phẩm tốt, chi phí giá thành cạnh tranh, thì trong kinh doanh, những lĩnh vực được đánh giá sẽ hợp tác tốt cho hai Công ty thì QNS sẽ hợp tác và không có chuyện loại trừ. "Thị phần sữa đậu nành của Nutifood so với Vinasoy là rất nhỏ nên sẽ không có vấn đề gì", lãnh đạo QNS chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận