menu
PVS - tâm điểm rút ròng của khối ngoại
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

PVS - tâm điểm rút ròng của khối ngoại

Giá cổ phiếu PVS quay đầu giảm khi khối ngoại liên tục bán ròng, dù kết quả kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) vẫn tích cực.

PVS - tâm điểm rút ròng của khối ngoại

Nhóm VinaCapital và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng

Từ cuối tháng 9/2024 tới nay, cổ phiếu PVS của PTSC trở thành tâm điểm bán ròng và rút vốn của khối ngoại. Cụ thể, từ ngày 23/9 đến 3/12/2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 9,6 triệu cổ phiếu PVS, nâng tỷ lệ room còn lại của khối ngoại tại cổ phiếu này từ 125,3 triệu cổ phiếu lên 134,9 triệu cổ phiếu. Trong đó, đáng chú ý, nhóm tổ chức liên quan tới ông Hoàng Xuân Quốc, Ủy viên HĐQT độc lập tại PTSC đã bán ròng 400.000 cổ phiếu PVS từ ngày 12/9 đến 19/9.

Ngoài ra, từ ngày 2/12 đến 31/12, quỹ liên quan VinaCapital là Vietnam Investment Property Holding Limited tiếp tục đăng ký bán 8 triệu cổ phiếu PVS để giảm sở hữu từ 3,28% về 1,61% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, nhóm quỹ ngoại liên quan tới VinaCapital tiếp tục xu hướng rút vốn khỏi PTSC trong tháng 12/2024.

Đáng lưu ý, từ ngày 23/5 đến 3/12, giá cổ phiếu PVS giảm 24,8%, từ 44.950 đồng về 33.800 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu lớn khác trong nhóm dầu khí cũng giảm giá mạnh từ ngày 22/8 đến 3/12. Trong đó, giá cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVDrilling) giảm 29,55%, về 23.250 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm 17,8%, về 19.400 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP giảm 23,8%, về 11.800 đồng/cổ phiếu; giá cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP giảm 10,66%, về 68.700 đồng/cổ phiếu …

Trong khi đó, cũng thời gian trên, Chỉ số VN-Index chỉ giảm 2,57% và Chỉ số VN30 chỉ giảm 0,71%. Có thể thấy, nhóm cổ phiếu dầu khí đang có mức giảm giá mạnh hơn so với thị trường. Trong đó, khối ngoại đã thực hiện rút ròng kỷ lục trên sàn và nhóm cổ phiếu dầu khí không phải ngoại lệ, với tâm điểm rút ròng là cổ phiếu PVS.

Chứng kiến đà lao dốc hàng loạt của cổ phiếu dầu khí trong giai đoạn qua, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital đánh giá, kể từ đại dịch Covid-19 tới nửa đầu năm 2024, giá dầu liên tục bật tăng, neo cao, từ đó hỗ trợ cả nhóm doanh nghiệp khai thác và hậu cần ngành dầu khí, vì vậy các cổ phiếu dầu khí thiết lập được mặt bằng giá cao hơn.

“Gần đây, khi giá dầu có dấu hiệu thoái trào, giảm trở lại, dù kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp dầu khí vẫn tích cực, nhưng do nhà đầu tư lo ngại triển vọng dài hạn bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá dầu giảm và cổ phiếu đã tăng cao trong giai đoạn trước, nên áp lực chốt lời đã diễn ra tại nhóm cổ phiếu dầu khí”, ông Vân nói.

Được biết, trong 9 tháng năm 2024, PTSC ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực khi doanh thu tăng 12%, lên 14.101 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 16,6%, lên 706,7 tỷ đồng và đã hoàn thành 107,1% so với kế hoạch lãi 660 tỷ đồng trong năm 2024. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,5% lên 5,9%.

Lấn sân lĩnh vực mới

Về tham vọng mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài lĩnh vực hậu cần dầu khí, PTSC cho biết, sẽ tham gia làm tổng thầu EPC và phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời lên kế hoạch tài chính đến năm 2030 với nhu cầu vốn tới 70.640 tỷ đồng.

Theo ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC, doanh nghiệp này chưa có chủ trương tham gia dự án điện gió ngoài khơi trong nước và chỉ đang tập trung dự án xuất khẩu điện gió. Trong đó, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore đang lựa chọn nhà thầu khảo sát, dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất sang đầu năm 2025 sẽ hoàn thành chọn nhà thầu khảo sát để đưa thiết bị khảo sát.

Theo kế hoạch, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore được PTSC triển khai cùng đối tác là Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU), đơn vị thành viên của Sembcorp Industries Limited. Trong đó, Liên danh PTSC & SCU sẽ cùng nghiên cứu đầu tư xây dựng 1 trang trại điện gió ngoài khơi tại khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.300 MW để xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Về nhu cầu vốn, theo kế hoạch triển khai giai đoạn 2024-2030 của PTSC, vốn chủ sở hữu là 17.641 tỷ đồng, trong đó 4.720 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2025 và 12.921 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030.

Được biết, thời điểm gần nhất ngày 30/9/2024, PTSC sở hữu quỹ tiền mặt 11.488,7 tỷ đồng, tổng nợ vay 1.979,7 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tổng vốn đầu tư từ nay tới năm 2030 lên tới 70.640 tỷ đồng. Vì vậy, nếu muốn đẩy nhanh mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, thì PTSC cần phải lên kế hoạch huy động vốn mới đáp ứng nhu cầu đầu tư.

“PTSC đang tính tới các phương án như chưa chia cổ tức bằng tiền và sử dụng toàn bộ lợi nhuận hàng năm (sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi và thưởng ban điều hành) để bổ sung quỹ đầu tư phát triển; tăng vốn điều lệ thông qua phát hành chào bán cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức… (kế hoạch huy động vốn cụ thể chưa được công bố và đang xin ý kiến), ông Lê Mạnh Cường chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
34.20 -0.50 (-1.44%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả