PV Drilling (PVD) hé lộ lý do chưa hoàn tất việc mua thêm giàn khoan mới
PV Drilling (mã cổ phiếu PVD) đang chuẩn bị cho việc mở các gói thầu về dịch vụ khoan và các dịch vụ liên quan cho dự án Lô B. Tuy nhiên, việc mua thêm giàn khoan đã qua sử dụng để phục vụ cho dự án này đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng.
Kỳ vọng các công ty liên kết sẽ đem lại lợi nhuận trong nửa cuối năm
Kết thúc nửa đầu năm nay, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.036 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 34% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Bóc tách dữ liệu cho thấy, động lực tăng trưởng doanh thu của PV Drilling trong kỳ chủ yếu đến từ mảng dịch vụ khoan (tăng trưởng 36%), được thúc đẩy bởi giá thuê trung bình ngày của các giàn khoan thuộc sở hữu của PV Drilling đã tăng 30% so với nửa đầu năm 2023, và hiệu suất trung bình của các giàn khoan này lên đến 99,54%.
Bên cạnh đó, tổng công ty còn ghi nhận sự đóng góp doanh thu từ giàn khoan cho thuê Hakuryu-11; trong khi nửa đầu năm 2023 không có khoản doanh thu này.
Đồng thời, doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến giếng khoan trong nửa đầu năm nay của PV Drilling cũng đã tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PV Drilling phần nào bị kìm hãm khi trong nửa đầu năm nay, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ 0,6 triệu USD từ các công ty liên kết, so với khoản lợi nhuận 0,1 triệu USD của nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, việc tỷ giá USD/VND tăng khoảng 5% trong nửa đầu năm 2024 đã khiến mức lỗ ngoại hối của PV Drilling tăng đến 114% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo PV Drilling, các công ty liên kết thường có kết quả kinh doanh thấp trong nửa đầu năm do yếu tố mùa vụ. Tổng công ty kỳ vọng các công ty liên kết sẽ tạo ra lợi nhuận trong nửa cuối năm nay.
Dự báo nhu cầu khoan ở mức cao cho đến ít nhất năm 2026
PV Drilling hiện dự báo thị trường sẽ diễn biến thuận lợi hơn cho các giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hiện chỉ có 07 giàn khoan đang được xây lắp trong khu vực, với 4 giàn khoan đang được xây lắp tại Trung Quốc để phục vụ thị trường nước này. Như vậy sẽ chỉ có 03 giàn khoan mới dự kiến đi vào hoạt động trong 2 năm tới.
Do đó, PV Drilling dự báo nguồn cung khan hiếm sẽ giữ giá thuê giàn khoan tự nâng ở mức cao, và cung cấp nhiều cơ hội khoan cho đội giàn khoan của tổng công ty cho đến năm 2026.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PVD của PV Drilling từ đầu năm 2024 đến nay.
Đáng chú ý, PV Drilling đang chuẩn bị cho việc mở các gói thầu về hợp đồng dịch vụ khoan và các dịch vụ liên quan cho dự án Lô B. Giai đoạn 1 yêu cầu một giàn khoan tư nâng và 1 giàn TAD để khoan 5 giếng bơm ép và khoảng 80 giếng khai thác. Kế hoạch mua 01 giàn khoan tự nâng đã qua sử dụng, trị giá 90 triệu USD của tổng công ty chủ yếu nhằm phục vụ dự án này.
Tuy nhiên, PV Drilling cho biết việc mua lại giàn khoan tự nâng đã qua sử dụng đang chậm tiến độ so với kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn chưa phê duyệt đầu tư. Đồng thời, tổng công ty cũng muốn tìm thêm các giàn khoan tự nâng khác với chi phí đầu tư tốt hơn và hiệu quả hoạt động cao hơn.
PV Drilling cũng khẳng định kế hoạch này sẽ được hoàn tất trước năm 2026 nhằm đảm bảo việc tham gia kịp thời vào chiến dịch khoan cho dự án Lô B.
Ngoài ra, để thúc đẩy mảng dịch vụ liên quan đến giếng khoan và các dự án khác trong bối cảnh hoạt động khai thác và thăm dò (E&P) trên toàn cầu phục hồi, PV Drilling đang tiến hành mua các thiết bị khoan áp suất (MPD) (8 triệu USD) và thiết bị CTRi (3,8 triệu USD), sau khi ký hợp đồng ký hợp đồng mua mới cụm thiết bị sửa giếng khoan dầu khí (HWU) trị giá 8 triệu USD vào tháng 7/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường