Phó Thống đốc: NHNN không chấp nhận chênh lệch quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân; Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
Phát biểu tại buổi họp báo sáng nay (3/1), ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Theo ông Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và thực thu chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm qua cũng như thời gian gần đây, dù giá vàng tăng giảm thất thưởng nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.
"Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước các ý kiến đề nghị xem xét việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng, ông Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.
Cũng theo ông Tuấn, biến động giá vàng đầu tiên là chịu ảnh hưởng từ cơ chế. Nếu sửa cơ chế thì đối với vàng miếng, NHNN sẽ xem xét sửa cơ chế quản lý; còn đối với vàng trang sức bình thường thì sẽ để thị trường tự điều tiết. Khi giải quyết các vấn đề này thì thị trường vàng sẽ diễn biến ổn định.
Về việc sửa cơ chế, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói thêm, mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
Theo Phó Thống đốc, Nghị định 24 quy định NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng và Nghị định này đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra. Tuy nhiên, vì đã ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và đáng nhẽ phải sửa đổi sớm hơn.
"Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được là vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân", Ông Tú cho biết.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
"Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng. NHNN cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi", Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Giá vàng trong nước diễn biến bất thường cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua - bán cao nhất lên tới 5,5 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh đó, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.
NHNN đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Ngoài ra, NHNN rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cần chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận