Phí chuyển container Bắc - Nam đắt gấp đôi đi Mỹ
Đại biểu Quốc hội cho rằng, phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam đang đắt gấp đôi đi Mỹ, khi đi nội địa lên tới 2.000 USD/container trong khi vận chuyển hàng tương tự từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD/container. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, so sánh như vậy là rất khó nhưng cũng xác nhận thực tế chi phí vận chuyển hàng hoá của Việt Namđắt gần gấp đôi bình quân thế giới.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, chi phí logistics (vận chuyển và phân phối hàng hoá) của Việt Nam đang quá cao, và đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có giải pháp để giảm khoản chi phí này cho nền kinh tế.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ GTVT thừa nhận, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương khoảng 17% GDP, khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6% GDP). Đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là tới năm 2025, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 16% - 20% GDP.
Về chi phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam khoảng 2.000 USD, trong khi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD/container. Bộ GTVT cho rằng, chi phí trên là vận tải container 20ft bằng đường bộ Bắc – Nam, để rẻ hơn doanh nghiệp có thể chọn đi bằng đường sắt hoặc đường biển, với chi phí bằng 50 - 70% so với đường bộ (tùy thuộc điều kiện xếp dỡ).
Cụ thể, hiện giá cước vận tải biển chiều từ Hải Phòng đi TPHCM dao động khoảng 9,2 - 9,5 triệu đồng/container loại 20ft (khoảng 413 USD), và khoảng 12 triệu đồng/container loại 40ft (521 USD). Với chiều TPHCM đi Hải Phòng, cước vận tải biển khoảng 6 - 8 triệu đồng/container 20ft và 9 - 10 triệu đồng/container 40ft.
Đối với vận tải biển quốc tế, việc xác định giá cước phụ thuộc thời vụ, điều kiện vận chuyển. Hiện, giá cước vận tải đường biển 1 container loại 40ft từ Việt Nam đi Mỹ khoảng 2.000 - 2.500 USD (giai đoạn COVID-19 chi phí này lên tới 20.000 USD/container).
“Như vậy, việc so sánh chi phí vận tải giữa các cung, chặng đường, phương thức vận tải khác nhau là rất khó chính xác để quy đổi về cùng một mặt bằng tương ứng”, Bộ GTVT lập luận.
Để tiếp tục kéo giảm chi phí logistics, Bộ GTVT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.
Bộ GTVT cũng tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải, như: phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận