Phân tích Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả - HHV
1. TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1.1. Vị thế công ty
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) có tiền thân là Xưởng Thống Nhất được thành lập vào năm 1974. Công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân. Ngoài ra, Công ty còn được phép cung cấp dịch vụ vận chuyển xe máy và người đi bộ qua hầm Hải Vân và tham gia sản xuất nhựa đường. Hiện nay, Công ty đang quản lý vận hành 03 nhà máy sản xuất nhựa đường tại Đà Nẵng, Bình Định và Long An. Ngày 20/01/2022, HHV chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
(Nguồn: Sưu tầm)
Hình 1.1. Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả
1.2. Sản phẩm dịch vụ chính
- Quản lý bảo trì cơ sở hạ tầng hầm đường bộ Hải Vân, cầu đường bộ, đường bộ
- Quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các tuyến quốc lộ được giao
- Xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp
- Kinh doanh dịch vụ vận tải.
2. PHÂN TÍCH KẾT QUẢ KINH DOANH
2.1. Tiến độ đầu tư công chậm
Việc triển khai các dự án đầu tư công gặp khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, thiếu vật liệu xây dựng, và chậm giải ngân vốn. Đèo Cả (HHV) ghi nhận KQKD Q3 với doanh thu 795 tỷ đồng (-2,3% QoQ, +18% YoY) và lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng (-5% QoQ, +6% YoY). Đánh giá hoạt động kinh doanh của HHV vẫn theo kỳ vọng, dự báo KQKD Q4 sẽ mở rộng nhờ mảng xây dựng, đặc biệt là dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn ở giai đoạn cuối, đóng góp 219 tỷ doanh thu trong Q3.
2.2. Tình hình nợ vay tài chính
Hoạt động tài chính của HHV tiếp tục cải thiện trong Q3/2024 với nợ vay giảm còn 19.876 tỷ đồng (-2% YTD) và tỷ lệ nợ vay/VCSH giảm xuống 1,97 lần. Phần lớn khoản vay là lãi suất ưu đãi cho các dự án PPP. Dòng tiền ổn định từ mảng thu phí BOT giúp HHV dễ dàng đáp ứng nghĩa vụ nợ dù quy mô nợ lớn đã được vốn hóa.
Tuy nhiên, HHV vẫn thuộc nhóm có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao trong ngành xây dựng, gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án mới. HHV có thể phải hoàn thành dự án hiện tại trước khi tham gia dự án mới, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
(Nguồn: DSC)
Hình 2.1. Tình hình nợ vay tài chính của HHV so với 1 số doanh nghiệp cùng ngành
3. ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
3.1. Hưởng lợi từ nhu cầu tăng trưởng trong lĩnh vực Logistic
Công ty Đèo Cả, doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư và vận hành dự án giao thông theo mô hình BOT, đang quản lý 15 trạm thu phí đường bộ. Nhờ đà phục hồi kinh tế và nhu cầu tăng trưởng trong lĩnh vực logistic, HHV hưởng lợi từ lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm, lưu lượng xe qua các trạm thu phí của HHV tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 31 triệu lượt. Đặc biệt, trạm Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã bắt đầu đóng góp doanh thu từ cuối tháng 5 vừa qua.
(Nguồn: HHV, ACBS)
Hình 3.1. Lưu lượng xe qua các trạm BOT chính
3.2. Duy trì tốc độ tăng trưởng luỹ kế hàng năm
Trong 9 tháng đầu năm 2024, HHV ghi nhận doanh thu từ mảng BOT đạt 1.437 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63% tổng doanh thu của Tập đoàn. Nhờ tỷ trọng doanh thu chủ yếu từ mảng BOT, biên lợi gộp của HHV được duy trì ổn định ở mức cao, trung bình đạt 44% trong năm 2024; riêng mảng thu phí BOT có biên lợi nhuận gộp dao động từ 60-70%.
HHV sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) ở mức 13,8% trong giai đoạn 2025-2030, nhờ vào:
(1) Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam và dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng.
(2) Lượng khách quốc tế tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 15,8 triệu lượt trong 11 tháng năm 2024.
(3) Đóng góp doanh thu mới từ trạm thu phí Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
(Nguồn: HHV, DSC)
Hình 3.2. Biên lợi nhuận theo mảng
3.3. Mảng xây lắp hưởng lợi nhờ giải ngân đầu tư công
Tính đến tháng 11/2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa vào vận hành thêm 858 km đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2025, nâng tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 2.021 km. Chính phủ đặt mục tiêu đạt 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025.
Theo tiến độ cập nhật, 28 dự án cao tốc thành phần được chia thành 3 nhóm:
(Nguồn: Báo điện tử chính phủ)
Hình 3.3. Đầu tư công dự kiến được giải ngân 87 nghìn tỷ trong năm 2025
3.4. HHV với dư địa lớn trong mảng xây lắp
HHV hiện đang nghiên cứu và đầu tư vào nhiều dự án mới với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, HHV đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đồng thời khởi công xây dựng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Với dư địa lớn trong mảng xây lắp, đặc biệt là kinh nghiệm vượt trội tại các dự án xuyên hầm, HHV được kỳ vọng sẽ trở thành đơn vị trúng thầu các dự án thành phần thuộc khu vực miền Trung trong tuyến tàu cao tốc Bắc Nam.
4. RỦI RO
Việc thiếu vốn để triển khai các dự án mới, các dự án đang nghiên cứu quy mô lớn dẫn đến khả năng doanh nghiệp tiếp tục nâng vốn kéo theo rủi ro pha loãng cổ phiếu trong ngắn hạn.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường