Phân phối ôtô vẫn còn nhiều áp lực cạnh tranh
Nếu năm 2018, thị trường ôtô gặp khó khăn trong việc nhập khẩu xe CBU do yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) theo Nghị định 116 thì nửa đầu năm 2019, cung ôtô đã hồi phục mạnh trở lại khi hầu hết các nhà sản xuất ôtô nước ngoài đều đáp ứng được yêu cầu này.
Cùng việc loại bỏ thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng ôtô nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan, cải thiện đáng kể. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng tổng nguồn cung của toàn thị trường.
Phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho thấy, việc nguồn cung ôtô thấp trong năm 2018 không thể đáp ứng đủ cầu của thị trường càng làm tăng nhu cầu sở hữu ôtô trong năm 2019. Đặc biệt sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ Indonesia và Thái Lan dao động trong khoảng 300-500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân trong nước.
Bên cạnh mức giá mềm, người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ các nước này. Mức tiêu thụ tăng cao được thúc đẩy bởi hai nhân tố chính: là nhu cầu cao và giá giảm cộng hưởng cùng xu hướng thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và vẫn trên đà tăng trưởng trong năm 2019.
Theo đó, tính đến hết tháng 7/2019, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường 180.940 xe tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% trong khi xe nhập khẩu tăng 207% so với cùng kỳ năm ngoái...
Chỉ ra triển vọng thị trường ôtô từ đầu năm 2019 đến nay khả quan hơn, song VDSC cũng nhấn mạnh nguồn cung hồi phục mạnh khiến cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt hơn. Nhiều đại lý phải đưa ra các chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng nhằm duy trì thị phần và tránh việc ghi nhận mức hàng tồn kho cao, qua đó khiến biên lợi nhuận gộp giảm. Báo cáo tài chính của các DN kinh doanh trong ngành cũng đã phản ánh hiện trạng này.
Ví như CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), quý II/2019 doanh thu ghi nhận hơn 4.362 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 256 tỷ đồng; tăng lần lượt 38% và 14% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên do chi phí bán hàng và quản lý DN cũng tăng lần lượt 29% và 20% cùng chi phí tài chính tăng gấp hơn 2 lần lên hơn 35 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là gần 31 tỷ đồng từ việc phải dự trữ lượng lớn hàng tồn kho nên đã giảm hơn 42% lãi ròng chỉ còn 20 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 8.577 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 115,5 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Hay như CTCP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (HAX), áp lực cạnh tranh lớn giữa các hãng xe khác và giữa các đại lý phân phối xe Mercedes-Benz cùng chủ ý gia tăng số lượng bán ra và thị phần kinh doanh xe Mercedes-Benz trong 6 tháng đầu năm 2019 đã làm cho chi phí bán hàng tăng, dẫn đến mặc dù doanh thu tăng 9,34% với 1.150 chiếc xe đạt 2.372.59 tỷ đồng, song lợi nhuận giảm chỉ bằng 83,17% so với cùng kỳ năm 2018 đạt 38,751 tỷ đồng…
Nhìn về triển vọng thị trường những tháng cuối năm 2019, tình trạng cạnh tranh nhiều khả năng vẫn khốc liệt và thậm chí tăng cao. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các nhà phân phối xe trung cấp có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn so với các đại lý phân phối xe hơi cao cấp, do: Phân khúc ôtô cao cấp thường nhắm đến khách hàng ở tầng lớp thượng lưu. Đây là nhóm khách hàng thường ưu tiên nhãn hiệu xe hơn giá bán. Khách hàng của dòng ôtô hạng sang thường có ít sự lựa chọn hơn so với dòng xe trung cấp về mặt đại lý phân phối cũng như mẫu xe”, VDSC dự báo.
Từ đầu năm 2019, hoạt động nhập khẩu của Lexus và Audi dần ổn định và thị trường xe sang cũng đánh dấu sự trở lại của BMW. Tuy nhiên, thị trường xe hạng sang tại Việt Nam có mức độ tập trung cao với Mercedes-Benz - MBV chiếm hơn 80% thị phần. Theo đó cạnh tranh ở thị trường này được kỳ vọng duy trì ở mức ổn định.
Với sự báo này, HAX sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ vị thế của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). VDSC ước tính doanh số của HAX trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước lên mức 2.700 chiếc. Thị phần của công ty vẫn duy trì ổn định nhờ việc sở hữu các showroom nằm ở các vị trí thuận lợi. Mặc dù, doanh số kỳ vọng tăng trưởng mạnh, song VDSC dự báo áp lực cạnh tranh vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục “kéo giảm” biên lợi nhuận gộp của công ty trong nửa cuối năm 2019.
Với SVC việc đang đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý trong bối cảnh lượng xe ôtô lưu thông ngày càng lớn sẽ giúp SVC tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Hiện SVC có hệ thống 50 đại lý phân phối xe cho các hãng lớn như Toyota, Ford, Hyundai chiếm 10,8% thị phần của VAMA năm 2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường