PGV: Lợi nhuận ròng quý 2 giảm hơn 50% vì lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 400 tỷ đồng
Theo BCTC quý 2/2022 mới công bố, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3, HOSE: PGV) báo lãi ròng trong quý đạt hơn 419 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ 2021.
Trong quý 2, PGV ghi nhận doanh thu đạt 11.89 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Giá vốn hàng bán tăng 15%, lên 10.68 ngàn tỷ đồng. Kết quả, Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp giảm 5 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (0.4%).
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 18%, còn 120 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính gấp 2 lần cùng kỳ (lên 680 tỷ đồng) do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng theo giải trình từ PGV. Chính khoản lỗ này là nguyên nhân lớn kéo tụt lợi nhuận ròng của PGV xuống còn hơn 407 tỷ đồng, tương ứng giảm 52% so với cùng kỳ.
Báo cáo kết quý HĐKD quý 2/2022 của PGV
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu PGV đạt gần 22.8 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp lũy kế tăng 23%, đạt gần 2.53 ngàn tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ đạt 1.25 ngàn tỷ đồng, giảm 23.5% với nguyên nhân phần lớn vì doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh (61%, còn gần 300 tỷ đồng) trong khi chi phí tài chính tăng đáng kể (51%, lên gần 965 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ 2022, PGV đặt kế hoạch doanh thu và lãi ròng lần lượt hơn 45 ngàn tỷ đồng và 1,827 tỷ đồng. Có thể thấy PGV đã đạt gần 51% mục tiêu doanh thu, và 68% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Về việc kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, cần nhớ rằng năm 2021 là thời điểm PGV đạt lợi nhuận tăng trưởng đột biến, lên tới 3 ngàn tỷ đồng (gấp 2.3 lần kế hoạch đề ra trong năm). Bản thân ông Lê Văn Danh - Tổng Giám đốc PGV cũng nhận định tại đại hội rằng mục tiêu như vậy là phù hợp khi năm 2022 có những yếu tố ảnh hưởng quyết định đến đầu vào, đặc biệt việc giá nhiên liệu than tăng cao đột biến. Ngoài ra, nhu cầu dùng điện thấp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện, giảm khoảng 3 tỷ kWh so với bình quân các năm trước, qua đó tác động đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
Tại đại hội, ông Danh cũng có chia sẻ rằng trong quý 3, giá nhiệt điện (điện khí và điện than – cũng là mảng kinh doanh chính của Công ty) sẽ giảm do lượng nước trong các hồ thủy điện ở mức cao. Đến quý 4, các hồ thủy điện cần tích trữ nước để chuẩn bị cho mùa khô năm kế tiếp, đẩy nguồn phát chủ yếu vào khối khí và khối than, qua đó đẩy giá nhiệt điện thị trường lên cao và giúp PGV hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm.
Thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của PGV đạt 72.98 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7.3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 35%, lên 25.463 ngàn tỷ đồng, phần lớn do khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng hơn 7.6 ngàn tỷ đồng (83%). Tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho biến động nhẹ, tăng 3.4% lên 3.17 ngàn tỷ đồng so với đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng hơn 6.1 ngàn tỷ đồng (58%), đạt gần 16.6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán (gồm Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, và Tổng Công ty Đông Bắc) ghi nhận tăng 45%, lên 5.4 ngàn tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn gấp gần 21 lần cùng kỳ, đạt 801.7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2025, PGV sẽ tiếp tục tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án nguồn điện mới - bao gồm các loại hình nhà máy điện (NMĐ): Tuabin khí LNG, thủy điện, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… với tổng quy mô công suất 2,613MW (trong đó điện gió chiếm 750MW, điện khí 1,500MW, còn lại là các nhà máy thủy điện nhỏ). Công ty cũng nghiên cứu thị trường để mua bổ sung nguồn khí LNG cho NMĐ khí Phú Mỹ và triển khai các gói thầu bổ sung than nhiên liệu cho NMĐ than Vĩnh Tân 2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận