PGS - TS. Phạm Hồng Long: Tạo "đòn bẩy" phục hồi thị trường khách quốc tế từ chính sách visa
PGS - TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư nhiều gợi mở để Việt Nam tạo được đòn bẩy phục hồi thị trường khách quốc tế từ chính sách visa.
Độ mở chính sách visa là một tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch và lữ hành của điểm đến
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách quốc tế, xong con số đạt được chỉ là 3,5 triệu lượt du khách. Những nguyên nhân nào khiến lượng khách quốc tế kém xa kỳ vọng như vậy, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Về mặt chủ quan, việc ngành du lịch đặt mục tiêu hơn 5 triệu lượt du khách mà chưa lường hết được những khó khăn. Bởi lẽ, khi mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch ngày 15/3/2022, các thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng khách đến Việt Nam rất lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga đều chưa mở cửa hoặc bị ảnh hưởng bởi chiến sự.
Thứ hai là sự chuẩn bị cho việc đón du khách nước ngoài vào Việt Nam, từ chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch gồm “thực, trú, hành, lạc, y” (ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm…) đều kém xa so với thời điểm đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện.
Thứ ba là công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông của chúng ta chưa tới.
Thứ tư là chính sách thị thực của chúng ta chưa hấp dẫn. Khi mở lại hoạt động du lịch quốc tế, Việt Nam dần đưa chính sách visa về như thời điểm trước dịch. Tức là miễn thị thực cho 24 nước theo đường Đại sứ quán, Lãnh sự quán và cấp visa điện tử cho 80 nước. Ngoài ra, visa ở điểm đến chưa linh hoạt.
Về nguyên nhân khách quan, bản thân chúng ta không lường hết được sự ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraina, dẫn đến khủng hoảng toàn cầu về năng lượng, giá cả, lãm phát leo thang, dẫn đến hầu bao chi tiêu của du khách trên phạm vi toàn thế giới bị suy giảm. Việc du khách thắt chặt chi tiêu khiến họ hạn chế những chuyến đi du lịch có quãng đường xa để tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại của khách du lịch sau đại dịch vẫn còn, đặc biệt là khi đến những quốc gia như là Việt Nam, tuy là điểm đến mới lạ nhưng họ cũng e dè hệ thống y tế không được tốt.
Như trên ông cho rằng, chính sách thị thực cửa Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn. Vậy chính sách visa có ảnh hưởng như thế nào đến sức hút của một điểm đến mang tầm quốc gia, thưa ông?
Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn dẫn số liệu Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển Du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021 được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 24/5/2022. Trong đó, du lịch Việt Nam đã có bước cải thiện lớn khi tăng lên 8 bậc từ vị trí 60 trước đó lên vị trí 52/117 quốc gia được xếp hạng, mức tăng của Việt Nam là cao nhất trong số các quốc gia được tăng hạng. Các chỉ số được đánh giá cao nhất của Việt Nam là có giá cả cạnh tranh (hạng 15), an ninh an toàn (hạng 33), cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và cảng hàng không (hạng 15). Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi điểm bởi tài nguyên môi trường thiên nhiên (hạng 24), tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng (hạng 29).
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu của Việt Nam như độ mở cửa du lịch (hạng 69), hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (87) và môi trường bền vững (94).
Điều đó cho thấy, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục mềm để vào Việt Nam còn hạn chế.
Nói vậy để thấy rằng, chính sách thị thực rất quan trọng, là cầu nối để du khách có thể nhìn nhận một điểm đến có thật sự hấp dẫn hay không. Và cũng phải nhìn nhận rằng, độ mở chính sách visa là một tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch và lữ hành của điểm đến, cũng chính là khả năng thu hút du khách quốc tế.
Tất nhiên, việc thu hút du khách quốc tế còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, nhưng phải khẳng định rằng, chính sách visa là một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong sức hút của điểm đến.
Phải cải tổ chính sách visa
Thưa ông, hậu Covid-19, xu hướng mở cửa visa của các quốc gia trên thế giới đang thay đổi như thế nào?
Thực ra, không phải sau đại dịch Covid-19 mà trước dịch, rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã dùng nhiều chính sách đòn bẩy khác nhau liên quan đến chính sách thị thực. Đơn cử, năm 1996, chương trình “Silver Hair Programme” (Chương trình Tóc Bạc) cho du khách ở độ tuổi nghỉ hưu được Bộ Du lịch Malaysia quảng bá rầm rộ với thời hạn visa lên tới 10 năm. Năm 2002, chương trình này đổi thành “Malaysia My Second Home”, mở rộng cho đối tượng từ 21 tuổi trở lên. Sau Covid, để thu hút các “ông trùm toàn cầu”, Malaysia đã ban hành chính sách “Thị thực đặc biệt” với thời hạn đến 20 năm khi đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập.
Chính sách visa trên đã thu hút những dòng khách “nhà giàu” đến với sức chi tiêu “khủng” ở nước này.
Malaysia hiện miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2019, nước này đón hơn 26 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi Việt Nam.
4 quốc gia khác có chính sách visa được cho là thông thoáng hơn cả Malaysia là “thiên đường du lịch” Seychelles - quốc đảo nằm giữa Ấn Độ Dương. Tất cả du khách nước ngoài đến đây đều được miễn thị thực. Chính sách “visa-free” đã góp phần không nhỏ cho phát triển du lịch - ngành kinh tế chủ lực của quốc gia Đông Phi có diện tích chỉ bằng 1/700 Việt Nam này. Theo thống kê từ Lãnh sự quán Seychelles, hàng năm du lịch gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra khoảng 72% GDP; khoảng 70% tổng thu nhập ngoại hối và hơn 30% việc làm. Năm 2019, Seychelles đón gần 450.000 lượt khách quốc tế và thu về xấp xỉ 618 triệu USD. Nơi đây là điểm đến ưa thích của du khách châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc… đặc biệt là cho những kỳ nghỉ dài ngày hay trăng mật lãng mạn.
Chính sách thị thực “dễ dãi” chỉ sau Seychelles là Maldives. Du khách đến đây không cần xin visa trước mà được cấp thị thực miễn phí trong 30 ngày cho công dân tất cả các quốc gia. Trong khi đó, Ecuador chỉ yêu cầu thị thực với công dân của 34 quốc gia (trước dịch Covid-19, con số này chỉ 13 quốc gia), thời gian lưu trú đến 90 ngày, cho phép du khách kéo dài thêm 90 ngày bằng hình thức trực tuyến hoặc đến bất kỳ văn phòng nhập cư nào ở Ecuador.
Singapore cũng là đất nước có chính sách thị thực hấp dẫn hàng đầu thế giới khi miễn visa cho công dân 162 nước, trong khi công dân của những nước còn lại có thể xin e-visa nhanh chóng với đa dạng các loại hình từ ra vào 1 lần đến nhiều lần trong thời hạn 2 năm. Với thị thực được chấp thuận, du khách nước ngoài có thể lưu trú tại Singapore trong thời gian lên đến 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, dựa trên xu thế hút dòng khách cao cấp và giới chuyên gia quốc tế, Singapore công bố chính sách “Visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm kèm theo quyền được lao động tại quốc gia này.
Chính sách thị thực thông thoáng, tỉ lệ phục hồi du lịch năm 2022 của Singapore xấp xỉ 30%, trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là 18,1%. Dự báo, ngành du lịch Singapore sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta là Thái Lan đã nới rộng thời gian lưu trú đến 45 ngày; Hồng Kông (Trung Quốc) cho phép người mang hộ chiếu Vương quốc Anh ở lại trong 180 ngày còn tất cả những người phương Tây khác được hưởng 90 ngày miễn thị thực; hay Mexico cho phép công dân từ 65 quốc gia vào và ở lại trong tối đa 180 ngày để kinh doanh hoặc giải trí.
Đây là những nỗ lực thiết thực để các quốc gia này tận dụng cơ hội vàng, nhanh chóng “tái sinh” ngành du lịch hậu Covid-19.
Như ông vừa chia sẻ, rất nhiều quốc gia đã và đang tạo đòn bẩy du lịch hiệu quả từ chính sách visa. Nhìn vào độ mở visa của họ, thì thấy chính sách thị thực của Việt Nam vẫn còn thua xa. Vậy, nếu thực sự muốn thúc đẩy du lịch quốc tế phục hồi nhanh, theo ông chúng ta cần nhanh chóng cải thiện những điểm nào?
Hiện nay, chính sách thị thực của Việt Nam có nhiều hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia, nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.
Một số doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, sau Covid-19, nhiều du khách có nhu cầu đến Việt Nam trên 18 ngày, nhưng vì chúng ta chỉ miễn visa 15 ngày nên họ rút ngắn hành trình đến Việt Nam xuống còn khoảng 7 - 9 ngày hoặc chọn một điểm đến khác để trải nghiệm kỳ nghỉ mà không phải mất nhiều thời gian cho thủ tục visa.
Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu nói của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Năm 2000, trong chuyến thăm đầu tiên của của một Tổng thống Mỹ đến Hà Nội, ông đã phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với một câu nói của ông, đại ý là, “Việt Nam đã ở giai đoạn tham gia vào sân chơi khu vực hóa và toàn cầu hóa. Điều đó giống như con thuyền Việt Nam gặp nước và gió. Nước có thể giúp nâng thuyền, gió có thể giúp đẩy thuyền băng băng chạy. Nhưng nước có thể khiến chìm thuyền và gió có thể khiến lật thuyền”. Vậy thì, khi Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu, hội nhập với khu vực và thế giới cần phải chấp nhận những khó khăn và thuận lợi.
Trở lại câu chuyện visa ngay cả một quốc gia trong tâm niệm của tôi và nhiều người cho rằng họ sẽ rất đóng vì người dân đa phần theo đạo Hồi như Indonesia mà họ miễn visa cho 169 quốc gia. Điều đó cho thấy Việt Nam cần phải cải tổ chính sách visa rất nhiều.
Theo tôi, điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam. Thậm chí với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… chúng ta có thể tăng số ngày lưu trú của họ lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Đồng thời, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng.
Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch ra quốc tế, phát triển kinh tế đêm
Thưa ông, vậy giả sử như chính sách visa được cải thiện như ông đề xuất thì sẽ mang lại những cơ hội gì cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi nghĩ rằng, điều đó sẽ tạo động lực rất lớn cho các thị trường khách quốc tế khác nhau quan tâm du lịch Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt hơn, khi có nhiều khách mà chúng ta miễn visa dài ngày hơn, đồng nghĩa thời gian lưu trú của họ ở Việt Nam lâu hơn, kéo theo chi tiêu của du khách lớn hơn. Vậy thì, chúng ta sẽ đạt “lợi ích kép” là vừa tăng số lượng khách, vừa tăng mức chi tiêu của khách.
Cùng với việc cải thiện chính sách visa, theo ông, ngành du lịch Việt Nam còn cần phải cải thiện những gì để nhanh chóng phục hồi và rút ngắn con đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Bên cạnh chính sách visa, công tác quảng bá và phát triển kinh tế đêm là hai việc chính chúng ta cần quan tâm trong thời gian tới.
Về công tác quảng bá, chúng ta đã đa dạng hóa nhiều kênh khác nhau, nhưng sự đầu tư của ngành du lịch nói riêng, của nhà nước nói chung cho công tác này chưa tương xứng về mặt tài chính. Vì thế, chúng ta không thể hoặc có tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của khu vực và thế giới cũng không thể tổ chức gian hàng lớn hay thiết kế được những cuộc gặp B2B, B2C hiệu quả.
Hơn nữa, chúng ta chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào của Việt Nam ở nước ngoài. Trước dịch, chúng ta mở một văn phòng đại diện ở Anh, nhưng có lẽ vì Covid-19 nên văn phòng này đã không còn hoạt động. Trong khi đó, “đối thủ” trực tiếp của chúng ta là Thái Lan hiện có tới 29 văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở ba châu lục lớn gồm: 18 văn phòng đại diện ở châu Á; 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ, trong đó họ có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Về văn phòng du lịch đại diện ở nước ngoài, năm 2019, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng.
Mặc dù một số công ty du lịch lớn của Việt Nam cũng có văn phòng đại diện ở nước ngoài, nhưng cần phải có văn phòng đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam để tạo sự tin tưởng với các đối tác và du khách.
Mặt khác, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
Số tiền ít ỏi buộc chúng ta phải quan tâm dến những thị trường tiềm năng nhất để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến. Thời gian tới tôi cho rằng đó là thị trường châu Âu, Đông Nam Á và Ấn Độ.
Thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã ra mắt năm ngoái cũng cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Về phát triển kinh tế đêm, đây là điều cần thiết để níu chân du khách và tăng mức chi tiêu của du khách. Bởi lẽ, ban ngày du khách sẽ đi tham quan, họ chủ yếu tiêu sài các dịch vụ ăn uống, giải trí và có xu hướng đi mua sắm nhiều hơn vào ban đêm. Sở dĩ lượng khách quốc tế trở lại Thái Lan nhiều lần hơn cũng nhờ kinh tế đêm của họ rất hấp dẫn, chứ không phải vì “xứ chùa vàng” có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hơn Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường