Petro Miền Trung (PMG): Cổ phiếu dành cho “cá mập”
Sau khi một tổ chức nước ngoài mua 24,8% cổ phần, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (PMG) có tổng cộng 3 cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 74,8% vốn điều lệ và tỷ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
“Cá mập” mua gom
Tính đến ngày 21/4/2021, cổ phiếu PMG có chuỗi giảm 9/10 phiên liên tiếp, mất 41,3% giá trị, từ 41.400 đồng/cổ phiếu xuống 24.300 đồng/cổ phiếu. Đà bán tháo diễn ra sau khi tổ chức đến từ Nhật Bản là Lemon Gas Co., Ltd công bố đã mua 11.492.327 cổ phiếu PMG vào ngày 2/4/2021, chiếm 24,8% vốn điều lệ (trước đó chưa sở hữu cổ phiếu nào).
Theo thống kê, trong phiên 2/4 xuất hiện giao dịch thoả thuận 11.492.327 cổ phiếu PMG với giá 34.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 396,5 tỷ đồng để sở hữu 24,8% vốn điều lệ PMG.
Ngược lại, kể từ ngày 2/4 tới nay, không có cổ đông lớn nào của PMG công bố việc giảm sở hữu, điều này đồng nghĩa với khả năng cổ đông đến từ Nhật Bản đã mua gom cổ phiếu từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Trước đó, giai đoạn đầu năm 2021, cổ phiếu PMG được giao dịch trong vùng 10.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, giới đầu tư đồn đoán, doanh nghiệp sẽ bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản với giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin này thu hút sự chú ý của giới đầu cơ và đẩy giá cổ phiếu liên tục tăng.
Được biết, trong năm 2020, cổ đông lớn của PMG không công bố giảm tỷ lệ sở hữu. Theo đó, cổ đông lớn của doanh nghiệp vẫn là ông Nguyễn Tiến Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu 35% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Bích Thuỳ (vợ ông Lãng), thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc sở hữu 15% vốn điều lệ.
PMG có 46,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Với việc vừa có thêm cổ đông lớn nước ngoài là Lemon Gas Co., Ltd, ước tính 3 cổ đông lớn tại PMG hiện sở hữu 74,8% vốn điều lệ, tương ứng 34,6 triệu cổ phiếu.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức ngày 23/4, PMG có tờ trình về việc cổ đông lớn được phép sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai.
Thông thường, cổ đông chiến lược khi tham gia với mục đích hợp tác phát triển doanh nghiệp, cũng như hợp tác kinh doanh với các đơn vị thành viên của cổ đông chiến lược để tạo nên sự cộng hưởng cho đôi bên, lợi ích nhận được bằng tiền chủ yếu là cổ tức và họ không quá quan tâm tới biến động giá cổ phiếu.
Sau khi tổ chức nước ngoài mua vào, nhà đầu tư nhỏ lẻ tháo chạy khiến giá cổ phiếu PMG lao dốc.
Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân khi tham gia đầu tư sẽ kỳ vọng vào hai nguồn lợi nhuận là chênh lệch giá mua - bán và cổ tức được nhận từ doanh nghiệp.
Nếu như cổ đông lớn tại PMG gia tăng tỷ lệ sở hữu, lượng cổ phiếu trôi nổi sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu trên sàn, vốn ở mức thấp trong hơn 1 năm qua.
Còn về diễn biến giá cổ phiếu trên sàn, thanh khoản thấp tạo điều kiện cho hoạt động “làm giá”, nhưng nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào mức giá mà cổ đông lớn sẵn sàng chi trả để nâng tỷ lệ sở hữu.
Hiệu quả kinh doanh suy giảm
PMG hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vỏ bình gas, tồn trữ, chiết nạp khí hoá lỏng và làm đầu mối cung ứng gas cho thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trong đó, doanh nghiệp nhập khẩu khí hoá lỏng (LPG) thông qua việc chiết nạp, sau đó cung cấp cho các hộ gia đình, khu thương mại.
PMG sở hữu 2 hệ thống cảng là cảng tại sông Đồng Nai có diện tích 2.203 m2, cảng Tam Hiệp tại Quảng Nam có diện tích 14.490 m2. Ngoài ra, doanh nghiệp này sở hữu 3 tổng kho: tổng kho tại TP Biên Hoà, Đồng Nai có diện tích 29.850 m2 với sức chứa 2.000 tấn; tổng kho tại Tam Hiệp có diện tích 48.980 m2 với sức chứa gần 5.000 tấn; tổng kho tại Khu công nghiệp Điện Nam (Quảng Nam) có diện tích 11.556 m2 với sức chứa gần 1.000 tấn.
Các sản phẩm chính hiện nay của PMG là V-gas, PM gas, Picnic-VIP, doanh thu chủ yếu đến từ khu vực miền Trung.
Mặc dù có tiềm năng phát triển, nhưng hiệu quả kinh doanh 2 năm qua của PMG suy giảm. Cụ thể, biên lợi nhuận ròng giảm từ 7,2% năm 2018 xuống 0,5% năm 2020, chủ yếu do chi phí tài chính và chi phí bán hàng gia tăng.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, chi phí bán hàng tăng trung bình 25,7%/năm, chi phí tài chính tăng 21,5%/năm. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2020 chỉ đạt 6,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 62 tỷ đồng năm 2019 và hơn 87 tỷ đồng năm 2018.
So sánh với một số doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PGS), về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu của PMG đều thấp hơn đáng kể.
Một số ý kiến cho rằng, PMG có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực phân phối khí hoá lỏng khi sở hữu cảng, kho, chiết nạp và hệ thống phân phối rộng ở khu vực miền Trung. Việc PMG có cổ đông lớn là Lemon Gas Co., hoạt động cùng ngành nghề, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.
Cổ phiếu PMG mới đây đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 23/4/2019 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 là con số âm (âm hơn 16 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường