Ông trùm cao tốc VEC thu hơn 12 tỷ đồng tiền phí mỗi ngày
Trong năm 2022, tổng doanh thu thu phí đường bộ cao tốc trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý ước đạt hơn 4.442 tỷ đồng, tương đương 12,1 tỷ đồng/ngày.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 1/2 đến 31/12/2022, Chính phủ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho các phương tiện qua trạm thu phí giao thông. Từ ngày 1/1/2023, thuế VAT trở về 10% như trước.
Tuy nhiên, nhiều tài xế đi trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý khai thác, bất ngờ vì phải trả phí cao hơn khi đã tính thuế VAT 10%.
Lý giải về điều này, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín. Khi chưa áp dụng thu phí không dừng chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt.
Để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ, VEC đã tính toán giá vé đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí. Phần lớn việc làm tròn đều giảm so với giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình thu phí xe loại 2 chặng Đại Xuyên - Liêm Tuyền tính toán là 62.100 đồng nhưng giá niêm yết là 60.000 đồng. Chặng Đại Xuyên - Cao Bồ xe loại 1 theo tính toán là 75.045 đồng nhưng giá niêm yết là 70.000 đồng, xe loại 2 là 112.568 đồng nhưng giá niêm yết là 100.000 đồng.
Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2022, hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây. "VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên, dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại", đại diện VEC lý giải.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, Phó Chủ tịch VEC Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, tổng lượng xe lưu thông trên 4 cao tốc của VEC gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây ước đạt khoảng 53,2 triệu lượt, tăng 41,1%. Tổng doanh thu thu phí đường bộ cao tốc trên 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý ước đạt hơn 4.442 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 (đã bao gồm thuế VAT); tương đương 12,1 tỷ đồng/ngày.
Nhờ đó, doanh thu của tổng công ty cũng tăng mạnh lên hơn 5.360 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ khoảng 5.015 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty này chưa công bố lợi nhuận năm nay. Theo chỉ tiêu được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, VEC đặt kế hoạch doanh thu hơn 4.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng năm 2022.
Trong năm 2023, VEC dự triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phấn đấu hoàn thành đưa đoạn tuyến Km0+000-Km21+000 vào khai thác, vận hành. Bên cạnh đó VEC sẽ khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại, xử lý dứt điểm tồn tại, tranh chấp tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nghiên cứu mở rộng các tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn Yên Bái - Lào Cai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận