Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị từ 24 - 26 năm tù
Sau phần luận tội, Viện kiểm sát đề nghị mức án, Trịnh Văn Quyết ôm mặt gục xuống thể hiện rõ sự tuyệt vọng, song khi được mời đứng lên tự bào chữa, bị cáo không phát biểu gì, nhường cho các luật sư.
Ngày 28/7, phiên xét xử 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục với phần tranh tụng giữa luật sư bào chữa và Viện kiểm sát.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết |
Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo thuộc cấp hợp thức hóa hồ sơ để niêm yết cổ phiếu, mượn chứng minh thư của nhiều người để mở các tài khoản chứng khoán, thực hiện giao dịch nhằm thu lợi bất chính hơn 4.300 tỷ đồng.
Nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị mức án ông Quyết 24 - 26 năm tù cho hai tội.
Tham gia bào chữa cho ông Quyết, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại số người bị hại trong “Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Luật sư cũng đề nghị tạo điều kiện cho thân chủ được giao dịch số tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị phong toả để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế |
Hai em gái ruột của ông Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) bị đề nghị mức án từ 17 - 19 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) bị đề nghị từ 10 - 12 năm tù. Hai bị cáo này bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cơ quan tố tụng đánh giá, Nga và Huế phạm tội với vai trò giúp sức cho anh trai chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Cả 3 anh em vướng lao lý
Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Nga, luật sư bào chữa cho hay, gia đình chỉ có 3 anh em (Quyết, Huế, Nga) nhưng cả 3 anh em đều vướng lao lý trong vụ án, không còn ai bên ngoài phụng dưỡng cha mẹ. Riêng gia đình chồng bị cáo Nga, trong vụ án này có đến 4 người con trai, gái, dâu, rể (bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Thị Thúy Nga, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Hồng Dung) đều vướng lao lý. Bố chồng bị cáo Nga vì suy nghĩ đau buồn nên qua đời cách đây 3 tháng, mẹ chồng đang đau yếu ở ngoài chờ vào sự ân xá, khoan hồng của pháp luật cho các con.
Tại phần tranh luận, nhiều bị cáo khi đứng lên tự bào chữa đã khóc, họ cho rằng bản thân giữ vai trò “lệ thuộc, làm theo chỉ đạo”. Do đó, mong HĐXX cho hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Về hoàn cảnh gia đình riêng, luật sư cho hay, bị cáo Nga có 3 con đang độ tuổi đi học, nay cả cha mẹ đều phải ra toà, gây tổn thương nhiều về tâm lý cho trẻ.
“Chúng tôi xin HĐXX cho bị cáo cơ hội được trở về ngay vào ngày tuyên án. Với khoảng thời gian 850 ngày trong trại tạm giam, bị cáo Nga đã nhận ra sai phạm của mình. Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã thành khẩn, ăn năn hối cải và đã khắc phục hậu quả bổ sung ngay tại phiên tòa này dù bị cáo không hưởng lợi. Gần 900 ngày cách ly khỏi xã hội cũng đã đủ sức răn đe, giáo dục đối với bị cáo, trong khi mục đích cao nhất của hình phạt là giáo dục, không phải là sự trừng phạt…”, luật sư nói.
Đối với bị cáo Huế, khi bào chữa, luật sư cũng khẳng định, bà Huế không có khả năng, thẩm quyền điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn Công ty Faros. Hành vi của bị cáo Huế chỉ là vô ý, không có mục đích và không trực tiếp giúp sức cho ông Quyết hoàn thiện hay thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, quá trình thực hiện bị cáo không hưởng lợi ích gì.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga |
Cơ quan tố tụng cho rằng, từ 2017 - 2022, Quyết chỉ đạo hai em gái Huế và Nga, cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Theo chỉ đạo, các em của Quyết và nhiều thuộc cấp đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh. Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và “thổi giá” đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC.
Điển hình như mã HAI, đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ phiếu lên tới 22.500 đồng/cổ phiếu trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng; mã cổ phiếu FLC được “thổi” từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu, thu lợi bất chính 397 tỷ đồng.
Tổng cộng, thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư; trừ chi phí, các đối tượng thu lợi hơn 600 tỷ đồng.
Viện kiểm sát còn xác định, Quyết trong giai đoạn 2014 - 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của Công ty FLC Faros từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận