Ông Phan Văn Mãi: Nỗi lo của TP HCM vẫn là đầu tư công
Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu chấn chỉnh nhà thầu dự án công yếu kém khi đầu tư vẫn là nỗi lo của thành phố sau 2 tháng đầu năm.
Yêu cầu này được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu trong phiên họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm, sáng 6/3. Theo đó, bận tâm lớn của thành phố đang tập trung vào tiến độ đầu tư công khi nguồn vốn này được xem là vốn mồi cho nền kinh tế.
Hai tháng đầu năm, TP HCM giải ngân được 1.600 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2023 nhưng chỉ mới đạt khoảng 2% kế hoạch năm. Thành phố đặt mục tiêu quý I giải ngân 10-12%, tương đương 8.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong tháng 3, mỗi tuần TP HCM phải giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng, được xem là thách thức. "Chúng ta vẫn phải kiên trì chỉ tiêu giải ngân đầu tư công quý I, ít nhất là đạt 10%", ông Mãi nói.
Để tăng tốc giải điểm lo trên, Chủ tịch UBND TP HCM nhắc nhở trách nhiệm các nhà thầu về vấn đề vật liệu xây dựng. "Các nhà thầu đã ký hợp đồng, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo vật liệu xây dựng. Vì thế, nhà thầu không thể nói Ủy ban đi lo vật liệu xây dựng cho được. Trách nhiệm này trước hết là của nhà thầu", ông nhấn mạnh.
Trong tháng 3, thành phố giao các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, quận huyện rà soát, xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém và không nghiêm túc. Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án phải hoàn tất hạn chót đến 30/6.
Với các dự án trọng điểm, ông Pham Văn Mãi đề nghị các nhà thầu thực hiện 3 ca 4 kíp (3 ca làm việc mỗi ngày, luân phiên giữa 4 nhóm nhân viên). Vướng mắc tại các dự án nếu có phải báo cáo kịp thời, không để đến cuối năm bị chậm tiến độ thì nêu do có vướng mắc.
Năm nay, đầu tàu kinh tế đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng - cao hơn năm ngoái 11.200 tỷ đồng. Trước phiên họp hôm nay, UBND TP HCM đã ban hành "Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024" để đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, yêu cầu các sở, ban ngành rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Số doanh nghiệp thành lập mới gần 6.300, với số vốn đăng ký mới hơn 56.800 tỉ đồng, tăng 18,2% về số lượng và tăng 44,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2023. Hơn 4.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,3%. Tuy nhiên, tổng cộng có 14.700 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể.
Doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư, phản ánh qua tín dụng còn thấp. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 2 tăng 9,52% so với cùng kỳ 2023, nhưng chỉ tăng 0,6% so với cuối tháng 1 và giảm 0,34% so với cuối năm ngoái.
Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ tiếp tục phát huy các tổ công tác phụ trách về thu hút FDI, gỡ khó bất động sản, doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP) theo Nghị quyết 98 trên các lĩnh lực văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông.
Bên cạnh các thách thức về đầu tư, điểm sáng kinh tế TP HCM hai tháng qua có thể kể đến như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3%, cao nhất so với cùng kỳ 3 năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 184.888 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,1%), chiếm 18,5% cả nước.
Xuất khẩu sau 2 năm đạt thấp cũng bắt đầu hồi phục, đạt 6,3 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tin vui là có sự khởi sắc của bất động sản và một số ngành hàng xuất khẩu như dệt may và gỗ nội thất", ông Mãi nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận