Ông Phạm Văn Hùng làm Chủ tịch PSB, 9 tháng tiếp tục thoát lỗ nhờ lãi tiền gửi ngân hàng
PSB vừa hoàn thành ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 vào ngày 26/10 bằng hình thức trực tuyến nhằm thông qua miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT ông Trần Hải Bình, người đại diện phần vốn PTSC, sau 14 năm đương nhiệm. Sau 9 tháng, PSB thoát lỗ nhờ 25 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Người mới giữ ba vị trí lãnh đạo cùng lúc
Người thay thế ông Bình được ĐHĐCĐ CTCP Đầu tư Dầu khí Sao Mai - Bến Đình (UPCoM: PSB) thông qua là ông Phạm Văn Hùng, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Hùng đồng thời cũng sẽ là người đại diện phần vốn của PTSC tại PSB (công ty mẹ, sở hữu 51%).
Hồi tháng 9, PSB đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT của ông Bình vì lý do cá nhân.
Về người thay thế, ông Phạm Văn Hùng sinh năm 1977 tại Quảng Ngãi, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, HNX: PVS) và Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (UPCoM: PQN).
Cuối năm 2022, ông Hùng đã xin thôi chức Giám đốc PQN với lý do tập trung cho vị trí tại PVS. Tuy nhiên, sau đó ông Hùng lại được bầu làm Chủ tịch HĐQT PQN. PVS cũng là công ty mẹ của PQN, sở hữu tỷ lệ hơn 95%.
Như vậy, hiện ông Hùng đang nắm giữ ba vị trí quan trọng trong hệ sinh thái PTSC gồm Chủ tịch HĐQT cùng lúc tại PSB, PQN và Phó Tổng Giám đốc PVS.
Ngoài ông Bình, PSB còn miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban kiểm soát đối với ông Nguyễn Minh Tuấn. Bà Nguyễn Lệ Trà sẽ là người thay thế ông Tuấn từ ngày 26/10 trong nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ông Tuấn và bà Trà đều là người đại diện cho PTSC.
Bên cạnh việc miễn nhiệm và bổ nhiệm mới hai thành viên, PSB cũng trình bổ sung ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận doanh nghiệp và Điều lệ Công ty đồng thời ủy quyền cho HĐQT ban hành Điều lệ bổ sung tương ứng với nội dung đã được thông qua.
Tiền gửi ngân hàng tiếp tục “gồng gánh” kết quả kinh doanh
Quý 3/2023, PSB thu lãi ròng hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 1 tỷ đồng dù doanh thu kỳ này giảm 14%, còn hơn 30 tỷ đồng. Nguyên nhân là do PSB có được doanh thu tài chính gần 9 tỷ đồng, tăng 51% chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, PSB cho biết trong kỳ, Công ty đã thực hiện hiệu quả các hợp đồng xây lắp với các đơn vị trong và ngoài ngành nên có được kết quả nêu trên.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu PSB giảm 21%, còn hơn 78 tỷ đồng. Lãi ròng 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 1 tỷ đồng.
Như vậy, với chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 20 tỷ đồng (cùng kỳ gần 19 tỷ đồng) mà phần lớn là lương nhân viên quản lý 8.7 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp chỉ hơn 4 tỷ đồng, PSB tiếp tục thoát lỗ nhờ vào khoản thu 25 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng, tương tự cùng kỳ năm trước.
Cuối quý 3, PSB có hơn 800 tỷ đồng tổng tài sản và 240 tỷ đồng nợ phải trả, không biến động nhiều so với đầu năm.
Dù vậy, vẫn có một số sự thay đổi đáng kể bên trong. Khoản phải thu khách hàng liên quan tăng thêm 14 tỷ đồng từ công ty mẹ PTSC (đầu năm hơn 400 triệu đồng).
Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong hàng tồn kho ghi nhận 32 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng dở dang căn cứ dịch vụ Hàng hải dầu khí Sao Mai – Bến Đình hơn 38 tỷ đồng, tăng thêm 1 tỷ đồng so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận