Ông Nguyễn Đăng Quang: VinCommerce chuyển đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng
Ban điều hành tập đoàn Masan kỳ vọng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty sẽ tăng tốc từ Quý 2/2020 trở đi khi VinCommerce cải thiện lợi nhuận và khoản đầu tư chiến lược vào MCH trong Quý 1/2020 sẽ phát huy kết quả.
CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2020, ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng trưởng 116,1% so với Quý 1/2019.
Tốc độ tăng trưởng này, theo MSN, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng hai chữ số của Masan Consumer Holdings (MCH) và việc hợp nhất VinCommerce (VCM). Trên cơ sở so sánh tương đương nếu giả định hợp nhất doanh thu thuần Quý 1/2019 của VCM, doanh thu thuần hợp nhất Quý 1/2020 đạt tăng trưởng 22,8%.
MSN cho biết, doanh thu thuần của MCH đạt 4.625 tỷ đồng trong Quý 1/2020, tương đương mức tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ. Doanh thu được thúc đẩy bởi tăng trưởng 59,7% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến.
Trong khi đó, VCM đạt doanh thu 8.709 tỷ đồng, tăng trưởng 40,3% so với Quý 1/2019 và 17% so với Quý 4/2019. Lợi nhuận của VCM cải thiện đáng kể với biên EBITDA trong Quý 1/2020 đạt mức (5.1%), tăng lên so với mức (9.1%) và (10.7%) lần lượt vào Quý 1/2019 và Quý 4/2019. Ban điều hành MSN đặt mục tiêu EBITDA cả năm của VCM từ mức (3%) cho đến hòa vốn.
“Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong Quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với Quý 1/2019. Nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là kết quả ngắn hạn do tác động của COVID-19, nhưng tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta” - ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn MSN) cho hay.
Mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife (MML) của Masan cũng ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu thuần đạt 453 tỷ đồng vào Quý 1/2020, tăng trưởng 85% so với Quý 4/2019.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 lại có tác động tiêu cực đến doanh thu của Masan Resources (MSR) với mức sụt giảm 10,4% do giá khoáng sản tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, MSR kỳ vọng có thể bán đồng tồn kho từ Quý 2/2020 trở đi để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo ra dòng tiền mặt tốt hơn.
Vào Quý 3/2019, MSR công bố thỏa thuận mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C.Starck. Thỏa thuận này đã được chính phủ Đức chấp thuận và đang trong quá trình phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Thương vụ dự kiến sẽ được hoàn tất trong Quý 2/2020.
Ban lãnh đạo MSN kỳ vọng, giao dịch mang đến cho MSR lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn khiến mục tiêu tăng trưởng của Techcombank (MSN là cổ đông lớn) gặp nhiều thách thức. MSN cho biết trọng tâm của TCB là duy trì bảng cân đối kế toán thận trọng và duy trì thanh khoản dồi dào để bù đắp tác động của COVID-19. Cách tiếp cận này cho phép TCB điều hướng chu kỳ ngắn hạn và tạo sức bật cho tăng trưởng cao hơn sau dịch COVID-19.
Về kết quả kinh doanh, MSN ghi nhận khoản lỗ sau thuế 216 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty ở mức 78 tỷ đồng.
Về triển vọng tương lai, MSN cho biết đại dịch COVID-19 khiến việc dự báo trở nên vô cùng khó khăn, nhưng sau quý đầu của năm, tập đoàn đã có cái nhìn rõ hơn về triển vọng kinh doanh năm 2020.
MSN kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 tăng trưởng đạt mức hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.
“Vì phần lớn hoạt động kinh doanh của Masan hướng đến những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, chúng tôi tin rằng công ty sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19” - thông cáo phát đi của tập đoàn này cho hay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận