Nửa đầu năm, Lọc hoá dầu Bình Sơn hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu
Sản xuất 3,43 triệu tấn xăng dầu trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo BSR cho biết sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó góp phần đưa lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí (PVN) mới đây, ban lãnh đạo Lọc Hoá dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với kết quả tích cực.
Theo đó, Lọc Hoá dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu hơn 87.052 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 95% kế hoạch năm nay (kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng). Bình Sơn cũng đã sản xuất 3,43 triệu tấn xăng dầu và gần như sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.
Dù không công bố cụ thể về lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp cho biết con số lợi nhuận đã vượt xa kế hoạch đề ra (kế hoạch là 1.295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế)
Quý I, doanh nghiệp ghi nhận 34.783 tỷ đồng doanh thu, tăng 66% so với quý I/2021. Như vậy, ước tính doanh thu quý II năm nay của công ty ở mức 52.269 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn nhận định 6 tháng cuối năm có một số khó khăn như tỉ giá USD dự báo tăng, lạm phát dự báo cả năm 2022 ước khoảng 3,9% (theo IMF) và dưới 4,0% (theo dự báo của WB); lạm phát tại một số nước tăng khiến chi phí vận chuyển tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng và các chi phí khác (như nhiên liệu, bảo hiểm, v.v…) cũng tăng.
Hơn nữa, theo các ngân hàng lớn trên thế giới dự báo, giá dầu cuối năm có thể giảm do lãi suất tăng, kinh tế suy thoái, nhu cầu dầu thô giảm.
Các yếu tố khác như dịch bệnh hay cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp; lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vẫn căng thẳng dẫn đến nguồn cung dầu ngọt khan hiếm - ảnh hưởng đến việc mua dầu nhập khẩu của công ty.
Crack margin trung bình trong những ngày đầu tháng 7/2022 thấp hơn nhiều so với dự báo của Wood Mackenzie và Platts. Điều này dẫn đến các lợi thế lọc dầu có thể đã qua giai đoạn đỉnh và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.
Doanh nghiệp này cũng đề ra kế hoạch và giải pháp sản xuất kinh doanh cho 6 tháng cuối năm tập trung vào các nhóm giải pháp như xây dựng và thường xuyên cập nhật các kịch bản sản xuất kinh doanh theo giá dầu (80-100-110-120 USD/thùng) làm cơ sở điều hành kế hoạch linh hoạt hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thị trường.
Ngoài ra, công ty cũng đang lên chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; chiến lược mua dầu thô trong nước và mở rộng rổ dầu nước ngoài; công tác chuẩn bị đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 của BSR dự kiến triển khai giữa năm 2023.
Trước đó, tại talkshow "Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen" tổ chức ngày 30/6, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn khẳng định, BSR luôn cố gắng tiết giảm chi phí và tăng công suất để cung ứng sản phẩm nhằm bình ổn thị trường.
Ông Dương cho biết, tại Bình Sơn, nhà máy cố gắng đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất với công suất cao nhất trong điều kiện vận hành an toàn để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
"Vì các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu của thị trường nên khi thị trường gặp khủng hoảng về năng lượng thì việc nhập khẩu xăng dầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh mua kể cả dầu thô lẫn sản phẩm đã qua chế biến", ông nói.
Vị này cũng cho hay, thời gian qua, Bình Sơn một mặt tăng công suất để tối đa hóa lợi nhuận do thuận lợi về thị trường, một mặt đảm bảo thêm nguồn cung trong nước để bù đắp khó khăn trong thị trường nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận