Novaland xin thanh toán lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng bằng bất động sản
Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) do công ty của mình làm chủ đầu tư.
2 phương thức thanh toán
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã NVLH222006. Cụ thể, Novaland đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu trên.
Phương án 1, Novaland đưa ra giải pháp: Tiền gốc trái phiếu sẽ được công ty thanh toán chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn trái phiếu. Tiền lãi phát sinh trong thời gian thanh toán nợ được tính bằng mức lãi suất trái phiếu theo quy định tại các điều khoản và điều kiện của trái phiếu. Còn khoản nợ sẽ được thanh toán một lần vào ngày cuối cùng của thời gian thanh toán nợ.
Phương án 2, Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) thuộc một dự án do công ty con của Novaland làm chủ đầu tư.
Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản do mình làm chủ đầu tư. |
Lô trái phiếu NVLH222006 được phát hành vào tháng 3/2022, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo bằng VND. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Tổng mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng. Bên đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Trước đó, với lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021, NVL cũng đề xuất 2 phương án là giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do doanh nghiệp đang đầu tư và phát triển.
Hồi giữa tháng 2, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland - cho biết, Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.
Lãnh đạo Novaland đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm.
Novaland đề nghị Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp như cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Nêu cụ thể từng dự án, ông Nhơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn. Novaland mong sẽ được tháo gỡ khó khăn cho dự án này trong 1 tháng.
Cơ sở nào để thay đổi?
Theo lãnh đạo Tập đoàn Novaland, công ty thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu NVLH222006 xuất phát từ Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Sau khi Nghị định 08 được ban hành, gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công và phần lớn đơn vị phát hành là doanh nghiệp bất động sản. |
Nghị định 08 với một số điểm nhấn có thể hóa giải những điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn; cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác; tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024.
Trước khi Nghị định 08 có hiệu lực từ ngày 5/3, trong 2 tháng đầu năm, số lượng các đợt phát hành trái phiếu thành công rất thấp. Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong tháng 1/2023. Trong tháng 2, có 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỷ đồng.
Sau khi Nghị định 08 được ban hành, gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công. Số lượng trái phiếu này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 10/3/2024, có lãi suất 13%/năm, là loại lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Trước đó, 2 công ty cũng đã phát hành trái phiếu thành công trong tháng 3 là Công ty CP Thương mại Sản xuất và Đầu tư Hà Thành, Công ty CP Phân phối HDE. Hai doanh nghiệp này đều phát hành 45 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận