Nóng tuần qua: Ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” bị phạt 245 triệu đồng vì giao dịch “chui” chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương, (được nhiều người biết đến là ca sĩ Khánh Phương).
Ca sĩ Khánh Phương bị phạt 245 triệu đồng vì giao dịch "chui" chứng khoán
Ca sĩ Khánh Phương bị phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Theo đó, UBCKNN quyết định phạt ông Phạm Khánh Phương số tiền 150 triệu đồng do hành vi không đăng ký chào mua công khai 3,155 triệu cổ phiếu SJC của Công ty CP Sông Đà 1.01 theo quy định pháp luật. Đồng thời, ca sĩ Khánh Phương bị phạt thêm 60 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.
Từng là ca sĩ nổi tiếng, hiện nay ông Phạm Khánh Phương còn được biết tới là một nhà đầu tư lớn trên sàn chứng khoán.
Ngoài ra, ca sĩ Khánh Phương cũng bị phạt tiền 35 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỉ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Vốn điều lệ SJC chỉ khoảng 70 tỉ đồng, Sông Đà 1.01 được chú ý kể từ khi ca sĩ Khánh Phương tham gia HĐQT sau kỳ ĐHĐCĐ bất thường cuối năm ngoái.
Thu lợi bất chính, một doanh nghiệp phải nộp lại toàn bộ số lãi
CTCP Hóa chất Hưng Phát Hà Bắc cho biết nhận được quyết định xử phạt hành chính của Đội Quản lý Thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang.
HPH đã có hai vi phạm hành chính, thứ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất, sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, bị phạt tiền 35 triệu đồng.
Thứ hai, HPH không tổ chức tham gia khóa huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ đối với đối tượng nhóm 1, trường hợp vi phạm dưới 10 người thuộc đối tượng nhóm 1. Hành vi này bị xử phạt 15 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty còn phải khắc phục hậu quả khi thực hiện hành vi vi phạm hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất mà không có Giấy chứng nhận bằng biện pháp nộp lại số lợi bất hợp pháp có được là gần 12,5 tỷ đồng. Công ty phải thực hiện khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, HPH ghi nhận doanh thu thuần 101 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước và LNTT đạt hơn 15 tỷ đồng, gấp 40 lần kế hoạch (375 triệu đồng). Khấu trừ chi phí, công ty thành công ghi nhận LNST hơn 12,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 4 tỷ đồng. Như vậy khoản phạt mà HPH nhận gần tương đương với số lãi cả năm vừa qua của công ty.
Phát hiện cán bộ ngân hàng tiếp tay cho mua bán thông tin cá nhân
Tại tọa đàm "Triển khai Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân" ngày 29/6, ông Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an - cho biết, tình trạng mua bán, lộ, mất thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đáng báo động.
Do dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, mua bán công khai, các đối tượng lừa đảo có thể xây dựng các kịch bản tinh vi như lừa vi phạm giao thông, nợ thuế, con bị tai nạn… nhằm chiếm đoạt tiền.
Theo ông Tùng, với lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh tổ chức tin tặc cá nhân bên ngoài tấn công còn có cả cán bộ ngân hàng tham gia mua bán.
Cụ thể, một số ngân hàng bị tấn công với những vụ phức tạp như chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tin tặc lấy cơ sở thông tin khách hàng, toàn bộ thông tin khách hàng khai báo...
Trong 3 năm qua, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân.
Đề xuất lương sếp doanh nghiệp Nhà nước cao nhất 126 triệu đồng/tháng
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 51 và 52/2016 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng DN 100% vốn nhà nước. Thay đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo này là về hệ số lương tăng thêm với lãnh đạo DN. Cụ thể, với hệ số từ 1 lần lương cơ bản trở xuống, điều kiện về lợi nhuận vẫn giữ như hiện hành; nhưng bổ sung 3 hệ số cao hơn gồm 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản nếu quy mô lợi nhuận lớn hơn (tương tự áp dụng với DN nhà nước nắm cổ phần chi phối).
Bảng hệ số lương với lãnh đạo DN nhà nước được đề xuất áp dụng từ năm 2024, với mức tăng thêm cao nhất vượt 1,5 lần hiện nay.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, theo kết quả kinh doanh của DN nhà nước hiện nay, với thay đổi trên, tiền lương của người quản lý đa số DN vẫn cơ bản không quá 1 lần lương cơ bản, tương đương mức bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Mức lương bổ sung vượt 1 lần lương cơ bản (hệ số 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản) chủ yếu áp dụng đối với một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lợi nhuận lớn. Nếu hệ số lương mới được thông qua, lương của lãnh đạo tập đoàn lợi nhuận lớn có thể được 126 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp DN vẫn có lợi nhuận nhưng giảm so với năm liền trước, lương lãnh đạo DN vẫn được tăng, nhưng theo tỷ lệ cụ thể đạt được, thay vì không được tăng như hiện hành. Trường hợp DN hoà vốn, lương lãnh đạo DN bằng 50 - 100% lương cơ bản, nếu lỗ lương tối đa bằng 50% lương cơ bản...
Nếu được thông qua, các quy định mới trên sẽ được áp dụng từ năm tài chính 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường