'Nới trần tín dụng để giảm tác động không mong muốn của tăng lãi suất lên nền kinh tế'
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành mang tới những quan ngại về tác động tiêu cực tới tăng trưởng, phục hồi kinh tế, kéo theo đó là tâm lý e ngại của giới đầu tư. Đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động không mong muốn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN nên nới trần tín dụng lên 15-16% năm 2022.
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp trong năm nay và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, tại phiên họp Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Chiều cùng ngày, NHNN đã ban hành quyết định tăng hàng loạt lãi suất điều hành thêm 1% về mức tương đương ngày 17/3/2020 (sau khi NHNN lần đầu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế).
Thông tin NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1% khá bất ngờ với thị trường về mức tăng, dù trước đó đã có một số dự báo NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm từ 0,5-0,75%. Ngay sau các quyết định tăng lãi suất của Fed, sau đó là NHNN thị trường chứng khoán trong nước đã có phản ứng tiêu cực, VN-Index giảm gần 31 điểm, về mốc sát mốc 1.200 điểm. Quyết định tăng lãi suất của NHNN mang tới lo ngại về tinh thần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Chính phủ và Quốc hội.
Để có thêm một góc nhìn và kiến nghị một vài giải pháp với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Nhadautu.vn đã có một cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.
Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Ông đánh giá thế nào về quyết định này của NHNN, liệu nó sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế của Việt Nam?
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể chắc chắn Fed sẽ kiên trì với mục chống lạm phát và tăng lãi suất. Theo Fed đây là "liều thuốc đắng" để chống lạm phát nhưng có thực sự chống được lạm phát không thì còn phải chờ kết quả lạm phát một vài tháng tới. Tỷ lệ lạm phát tháng 8 của Mỹ đã lên đến trên 9%, kỷ lục 40 năm. Việc tăng lãi suất có thể dẫn tới nguy cơ đưa kinh tế Mỹ vào trạng thái suy thoái hoặc hạ cánh mềm nhưng việc này được cho là cần thiết.
Ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, hầu hết các nước phát triển đều đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chỉ có một vài quốc gia còn tìm cách duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
NHNN Việt Nam quyết định tăng lãi suất điều hành thời điểm hiện tại có thể nói là hợp lý. Với mức lãi suất điều hành tăng 1%, trần lãi suất tiền gửi cho đến 6 tháng lên tới 5%, sẽ đẩy lãi cho vay sẽ tăng lên từ 1-2%. Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh đang tăng khá nóng thời gian gần đây nhưng phân tích trên tổng thể, tác động của tăng lãi suất cơ bản là tích cực nhiều hơn tiêu cực.
Tăng lãi suất nhưng ngân hàng vẫn có thể điều chỉnh chi phí để giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, giúp trung hoà phần nào tác động của việc tăng lãi suất.
Thực tế, việc tăng lãi suất cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả hơn, tập trung vào sản phẩm mang lại lợi ích tốt nhất, tiết kiệm chi phí hoạt động. Tất nhiên, tăng lãi suất mục đích để giảm nhiệt hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm cung tiền vào lưu thông, cuối cùng là giảm lạm phát.
Theo các nghiên cứu thì có mối tương quan tương đối giữa lãi suất và tăng trưởng. Có thể hình dung đơn giản khi chi phí vốn tăng sẽ giảm nhiệt hoạt động động sản xuất kinh doanh, lãi suất có thể coi là dây cương làm chậm lại tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất cũng chỉ là một phần của công cụ chính sách tiền tệ, tăng lãi suất sẽ có tác động tới cả chính sách ngoại hối, giảm rủi ro về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá nóng như hiện nay.
Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế như ADB, IMF tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện nay khoảng 124% là quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cũng mang tới lo ngạii rủi ro khi đồng tiền mất giá. Vì vậy, NHNN buộc phải ưu tiên bảo vệ giá trị tiền đồng. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với một số chuyên gia rằng, thời điểm hiện tại cần một chính sách tiền tệ đủ "mạo hiểm" để vẫn hỗ trợ được tăng trưởng, ở mức độ rủi ro chấp nhận được. Điều này có thể làm được bằng cách nới trần tín dụng của năm 2022, ở mức trần khoảng 15-16% của cả nền kinh tế và tập trung nới ở một số ngân hàng được đánh giá là cung cấp tín dụng ra nền kinh tế tốt, tập trung vào kinh doanh, sản xuất và lĩnh vực ưu tiên. Không nên vừa siết tín dụng lại vừa tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam còn yếu, các kênh trái phiếu, chứng khoán còn nhiều bê bối, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế vẫn buộc phải được đặt trên vai ngành ngân hàng.
Vậy về tỷ giá, theo ông từ nay tới cuối năm tỷ giá đồng Việt Nam so với USD có thể mất giá thêm bao nhiêu %?
Theo tính toán từ đầu năm tới nay, tiền đồng đã mất giá 3,8% so với USD. Dự báo từ nay tới cuối năm tiền đồng có thể mất giá thêm 1-2%.
Thực tế để tiếp tục giữ giá tiền đồng là rất khó và gây áp lực lớn lên chính sách tiền tệ. Dự trữ ngoại tệ cũng không phải như một kho sẵn có, lúc nào thích thì bán ra mà tiền nằm rải rác tại các hợp đồng kinh tế. Ước tính, nếu muốn duy trì tỷ giá ở thời điểm hiện tại, có thể NHNN phải tiếp tục bán ra khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hổi. Điều này có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Vì vậy, ngay cả tăng lãi suất thì khuyến nghị nên để tiền đồng mất giá thêm 1-2% từ nay tới cuối năm.
Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào quỹ dự trữ quốc gia và khả năng bán ngoại tệ can thiệp thị trường cũng có giới hạn, cần tìm một giải pháp khác để tăng nguồn dự trữ ngoại hối là tăng xuất khẩu. USD tăng giá cũng có lợi cho xuất khẩu, giúp tăng động lực xuất khẩu, mang về thêm nguồn ngoại tệ, giúp điều hoà thị trường. Cùng chiều, khi tiền đồng mất giá, nhập khẩu vào tăng giá, có thể sẽ góp phần đẩy lạm phát tăng lên.
Trên thực tế, NHNN vẫn có thể duy trì chính sách kiểm soát ngoại hối nhưng ở chừng mực nào đó, nếu quá siết đà tăng giá USD có thể vô tình đẩy mạnh tình trạng mua - bán ngoại tệ trên thị trường tự do.
Xin cảm ơn Ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận