Nợ vay tăng 41.900%, tiết lộ liên quan giữa Hải Phát Land với công ty riêng “ngập nợ” của Tổng giám đốc Vũ Kim Giang
Hải Phát Land chỉ trong 1 năm, nợ vay tăng tới 41.900%. Ngoài việc “cắm” nhiều giấy tờ liên quan đến các dự án, trong đó có dự án từng vướng lùm xùm, công ty “ngập nợ” có quan hệ mật thiết với Tổng Giám đốc cũng là “chủ nợ”.
Cuối năm 2021, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HNX: HPX) công bố quyết định của HĐQT về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land).
Cụ thể, Hải Phát Invest đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần mà Công ty sở hữu tại Hải Phát Land cho tổ chức, cá nhân khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau khi chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát sở hữu tối thiểu là 36% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát.
Theo nội dung đăng ký thành lập mới năm 2018 của Hải Phát Land, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) góp 70% vốn. Ngoài ra, cổ đông sáng lập còn có ông Vũ Kim Giang góp 25% vốn, còn lại 5% là của cá nhân Phạm Văn Định. Hiện, ông Vũ Kim Giang là Tổng giám đốc Hải Phát Land.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, tỷ lệ vốn góp tại Hải Phát Land của Hải Phát Invest chỉ còn 48,8%. Việc giảm sở hữu tại Hải Phát Land khiến nhiều nhà đầu tư "tò mò" về "sức khỏe" của Hải Phát Land.
Năm 2022, IPO doanh nghiệp là một trong những mục tiêu được Hải Phát Land đặt ra trong lộ trình phát triển DN. (Ảnh: Hải Phát Land)
Nợ vay tăng "sốc" 41.900% trong năm 2020, tiền mặt "cạn" dần
Dữ liệu mà Dân Việt có được, tổng tài sản của Hải Phát Land tính đến cuối năm 2020 tăng 50% so với đầu năm, lên 1.469 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài sản ngắn hạn chiếm tới trên 97% tổng tài sản của doanh nghiệp – tăng 406% so với đầu năm.
Nợ vay của Hải Phát Land tăng "sốc" 41.900% trong năm 2020. (Ảnh: LT)
Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và phải thu khác tăng lần lượt 336% và 447%. Thậm chí, phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 891%, lên 247,7 tỷ đồng.
Trong đó, riêng phải thu về cho vay cá nhân tăng từ 17 tỷ lên 239,7 tỷ đồng, và phải thu cho vay doanh nghiệp không đổi ở mức 8 tỷ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không tiết lộ danh tính của các cá nhân này.
Trùng hợp ở chỗ, phải thu về cho vay ngắn hạn trong năm 2020 của doanh nghiệp tăng gần 223 tỷ đồng (toàn bộ là vay cá nhân), nợ vay của doanh nghiệp cũng "phình to" khoảng 246 tỷ đồng trong năm này.
Cụ thể, nợ vay và thuê tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 tăng "sốc" hơn 41.900% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng 111.000%, lên 95 tỷ đồng. Nợ vay và thuê tài chính dài hạn, tăng 30.100% lên 151 tỷ đồng.
Phải thu về cho vay ngắn hạn trong năm 2020 của doanh nghiệp tăng gần 223 tỷ đồng (toàn bộ là vay cá nhân), nợ vay của doanh nghiệp cũng "phình to" khoảng 246 tỷ đồng. (Ảnh" LT)
Kéo theo đó, chi phí lãi vay trong năm 2020 của Hải Phát Land cũng đội lên 3,9 tỷ từ 101 triệu năm 2019. Điều này cũng góp phần vào khoản sụt giảm 27% lợi nhuận trước thuế của Hải Phát Land trong năm 2020 so với năm liền trước.
Đến cuối năm 2020, hàng tồn kho của Hải Phát Land tăng từ 8 tỷ lên 327 tỷ đồng, tiền mặt "cạn" dần khi khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 23 tỷ xuống 14 tỷ đồng.
Khoản nợ 71 tỷ liên quan đến công ty "ngập nợ" của Tổng giám đốc Vũ Kim Giang
Tài liệu của Dân Việt còn cho thấy, trong cơ cấu khoản vay ngắn hạn của Hải Phát Land, 71 tỷ đồng được vay từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc HP Real – công ty "ngập nợ" có liên quan mật thiết với Tổng Giám đốc của Hải Phát Land – ông Vũ Kim Giang.
Theo đăng ký thành lập năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc HP Real có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Kim Giang đóng góp 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ 148,3 triệu đồng, quá ít ỏi so với con số gần 390 tỷ đồng tài sản vào cuối năm 2020 của doanh nghiệp.
Tương tư, tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của doanh nghiệp này lần lượt là 44,2 triệu và 230 tỷ đồng. Như vậy, gần như toàn bộ tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bằng nợ phải trả.
Về kết quả kinh doanh, sau khi thành lập năm 2018, năm 2019 doanh thu của doanh nghiệp vẫn chỉ là con số 0, đến năm 2020 doanh thu đạt 14,7 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp "ngập nợ" liên quan đến Tổng Giám đốc Hải Phát Land Vũ Kim Giang – doanh nghiệp "chủ nợ" của Hải Phát Land (theo báo cáo tài chính năm 2020) lỗ 2 triệu đồng năm 2019 và chỉ lãi 104 triệu đồng năm 2020.
Ông Vũ Kim Giang - Tổng Giám đốc Hải Phát Land. (Ảnh: Hải Phát Land)
"Cắm" nhiều dự án, có dự án từng vướng tai tiếng
Chủ nợ của Hải Phát Land tính đến cuối năm 2020 còn có MB chi nhánh Thăng Long. Ngân hàng này cho Hải Phát Land vay tổng cộng 158 tỷ đồng.
Theo đăng ký giao dịch bảo đảm, vào tháng 12/2020 Hải Phát Land sử dụng lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển Dự án "Khu nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở" tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Dự Án La Emera Hạ Long), theo các Giấy tờ tài sản thế chấp như Hồ sơ pháp lý theo tiến độ hoàn thiện pháp lý của dự án, bao gồm nhưng không giới hạn: Quyết định giao đất (bản gốc/bản chính); Giấy phép xây dựng (bản gốc/bản chính), Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (bản gốc) và các giấy tờ pháp lý khác (Thẩm tra thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, Phòng cháy chữa cháu, đánh giá tác động môi trường,...) thế chấp tại MB chi nhánh Thăng Long.
Năm 2021, Hải Phát Land tiếp tục phát sinh các giao dịch bảo đảm để vay vốn tại nhiều ngân hàng như VPBank, TPBank, Ngân hàng Phương Đông trong đó tài sản bảo đảm bảo gồm tất cả các quyền tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp phát sinh từ các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thậm chí như 8/2021, Hải Phát Land "cắm" quyền khai thác, quản lý Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu 3, phía Đông đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; Quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm, quyền thụ hưởng lợi ích... phát sinh từ Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng mà Chủ đầu tư giao kết trong quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển Dự án; Hoa lợi, lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được từ việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý, phát triển Dự án; Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu như Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất khu nhà ở tại Lô đất ký hiệu 3, phía Đông đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tổng giá trị tài sản lên tới 572 tỷ đồng, giá trị khoản vay (trái phiếu) 400 tỷ đồng.
31/12/2021, quyền tài sản phát sinh từ các Hợp đồng mua bán hàng loạt căn hộ bao gồm quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền thụ hưởng bảo hiểm, quyền được bồi thường thiệt hại phát sinh từ các Hợp đồng mua bán ký giữa Hải Phát Land và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô, Hợp đồng mua bán sàn thương mại trong Dự án HPC Landmark 105 (tên pháp lý là Tòa nhà CT2-105 tại lô đất CT2), thuộc Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng, phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cũng được doanh nghiệp mang ra thế chấp tại ngân hàng.
Điều đáng nói, Chung cư CT2-105 từng vướng lùm xùm về việc thu phí bảo trì của cư dân, được nêu tại kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận