Những thương vụ chuyển nhượng vốn công ty chứng khoán
Chuyện mua bán vốn công ty chứng khoán (CTCK) trước nay không hề hiếm ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt với các nhóm CTCK vốn nhỏ, ít tên tuổi hoặc hoạt động thoi thóp từ lâu. Năm 2023, cơ cấu cổ đông ở nhiều CTCK tiếp tục có sự dịch chuyển đáng chú ý.
Đầu tiên, phải nói đến thương vụ chuyển vốn của Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) vào ngày 27/7. Tại thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hương Giang - người chưa từng sở hữu cổ phiếu của SBBS trước đó - đã đứng ra thâu tóm 40.22% vốn, tương ứng 12.06 triệu cp từ 2 cổ đông là Inter Pacific Securities Sdn Bhd (IPSSB) và ông Phương Anh Phát - Thành viên Ban kiểm soát.
Cũng trong ngày 27/7, một nhà đầu tư cá nhân là bà Đinh Thị Thu Trang đã nhận chuyển nhượng 2.04 triệu cp SBBS, qua đó trở thành cổ đông lớn khi nâng sở hữu lên 6.81%. Số cổ phiếu vị này mua vào đúng bằng số cổ phiếu mà ông Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch và đồng thời là Thành viên HĐQT của SBBS bán ra theo phương thức thỏa thuận; và tỷ lệ sở hữu của ông Nam còn 0.11% (32 ngàn cp).
Chưa tròn 1 tuần sau thương vụ đổi chủ trên, ông Nguyễn Hoài Nam, ông Phương Anh Phát và ông Tan Mun Choy - Thành viên Ban kiểm soát có đơn từ nhiệm và sau đó được ĐHĐCĐ bất thường thông qua.
Cũng trong khoảng thời gian này, một thương vụ chuyển nhượng gần 75% vốn của Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) cũng diễn ra.
Cuối tháng 11/2023, có 3 cổ đông của IRS đã chuyển nhượng 74.71% vốn góp cho Chủ tịch HĐQT là ông Lê Thanh, đưa tỷ lệ sở hữu của vị Chủ tịch này lên 82.95%, tương ứng 24.8 triệu cp. Thực tế, 3 vị này đều là người thân của ông Thanh.
Trong đó, ông Lê Thanh Hà - Thành viên HĐQT và cũng là anh trai ông Thanh chuyển nhượng hơn 2 triệu cp (6.75% vốn), cổ đông Nguyễn Thị Giá - mẹ ông Thanh chuyển nhượng gần 10.4 triệu cp (34.85% vốn) và ông Lê Hồng Thảo - cha Chủ tịch Thanh chuyển hơn 10 triệu cp (33.38% vốn).
Sau thương vụ này, có thêm 1 cổ đông nữa chuyển nhượng 405 ngàn cp cho Chủ tịch IRS, đưa sở hữu của vị này lên tới 84.3%.
Đầu tháng 12/2023, một thương vụ khác cũng rất đáng chú ý. 1 cổ đông cá nhân tên Nguyễn Anh Đạt đã chuyển nhượng 49% vốn sở hữu tại CTCP Chứng khoán Việt Tín (VTSS) cho CTCP Du lịch Minh Thành - một công ty kinh doanh dịch vụ khách sạn tại Bình Thuận. Sau chuyển nhượng, VTSS có 3 cổ đông là Du lịch Minh Thành, bà Hoàng Ngân Hà (50%) và ông Nguyễn Đức Việt (1%) thế chỗ cho cổ đông Nguyễn Xuân Nhi.
Thực tế, cơ cấu cổ đông của VTSS biến động liên tục trong năm 2023. Tại thời điểm 30/6/2023, Công ty có 5 cổ đông, trong đó có 2 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Đất Việt Nam (sở hữu 25.22%) và CTCP Đầu tư Tài chính Việt Tín (sở hữu 9.8%). 2 cổ đông tổ chức này sau đó đã chuyển hết vốn cho ông Đạt, đưa tỷ lệ sở hữu vị này từ hơn 5% lên 40.39%.
Ngày 18/10, cổ đông Nguyễn Xuân Nhi đã chuyển bớt số cổ phần đang nắm giữ cho ông Đạt (cha) và bà Ngân (mẹ), chỉ còn nắm 1% vốn VTSS.
Trong khi đó tại Chứng khoán Sen Vàng (GLS), Chủ tịch Công ty là ông Cao Tấn Thành bắt đầu gom vào cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu từ 10.18% lên 55.42%.
Chủ tịch Thành cũng đăng ký mua thỏa thuận 775 ngàn cp để đưa tỷ lệ sở hữu lên 61.16% trong thời gian từ 18 - 31/1/2024.
Thống kê giao dịch cổ đông lớn
Tại Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (UPCoM: CSI), CTCP Đầu tư và Phát triển Kirin Capital trở thành cổ đông lớn từ 29/9/2024, sau khi mua vào 844.8 ngàn cp, rồi dần nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 10.08%, tương đương 1.69 triệu cp.
Thống kê sở hữu và thay đổi sở hữu của Kirin Capital tại CSI
Trong số lượng cổ phiếu trên, gia đình ông Kim Hwan Kyoon - Chủ tịch HĐQT Công ty cùng vợ là bà Lee Tae Ae và con trai là ông Kim Tae Hyuk, lần lượt chuyển hết 19.7%, 0.98%,1.35% vốn; và không còn là cổ đông của SJCS từ 27/11/2023. Tại Asam Asset Management, Chủ tịch Kim đang nắm trên 10% vốn, theo báo cáo quản trị Công ty năm 2023.
Điểm chung của các CTCK này là đều có kết quả kinh doanh kém tích cực trong nhiều năm, có công ty còn bị chấm dứt tư cách giao dịch cổ phiếu tại HOSE và HNX.
Trong đó, IRS chỉ lãi 629 triệu đồng trong năm 2023, tuột gần 50% so với năm trước.
SJCS ghi nhận có lãi hơn 1 tỷ đồng lần đầu tiên trong vòng 5 năm gần nhất. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 gần 49 tỷ đồng.
SBBS cũng thuộc nhóm CTCK lỗ “bền vững” trong 5 năm gần nhất. Năm 2023, Công ty này lỗ hơn 7 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 270 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn trên 34 tỷ đồng.
Một điểm thú vị là Chứng khoán Sen Vàng có kết quả kinh doanh khá “ảo”. Sau 3 năm lỗ, bằng một cách thần kỳ nào đó, đến năm 2022, Công ty lãi đột biến hơn 128 tỷ đồng, rồi tiếp tục quay đầu báo lỗ hơn 6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. GLS đã ngừng giao dịch chứng khoán và bị chấm dứt tư cách giao dịch cổ phiếu trên cả 2 sàn vào năm 2015.
Điều gì tiếp theo?
Câu chuyện chuyển nhượng vốn hay đổi chủ diễn ra ở các CTCK nhỏ không mới. Trước đây, các tập đoàn lớn, bằng tiềm lực tài chính, hoàn thiện hệ sinh thái thông qua việc mua lại cổ phần, sau đó tái cấu trúc các CTCK nhỏ hoặc đây là đường để các tổ chức quốc tế thâm nhập thị trường Việt Nam.
Song, các thương vụ trong năm 2023 vẫn để mở nhiều dấu hỏi.
Ở SBBS, người ta có thể kỳ vọng vào “tiểu sử khủng” của bà Giang - người sáng lập ứng dụng đầu tư Tititada và cũng từng làm việc tại VinaCapital, Chứng khoán SSI cũng như loạt doanh nghiệp tên tuổi khác - được kỳ vọng có thể góp phần thay da đổi thịt cho Công ty. Mục tiêu năm 2024 là SBBS có lãi trở lại, với kế hoạch lãi trước thuế trên 356 triệu đồng.
Dấu hỏi có thể lớn hơn với VTSS, khi cơ cấu cổ đông quá cô đặc và những trục trặc đầu tiên với các cổ đông này đã xuất hiện. Ngày 5/2/2024, VTSS tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua một số vấn đề. Tuy nhiên, chỉ có bà Ngân Hà đến dự, kết quả đại hội không thể tổ chức do không đáp ứng đủ điều kiện về tỷ lệ tham dự.
Còn ở IRS và GLS, chưa rõ Chủ tịch Công ty sẽ có những nước đi nào tiếp theo khi gom về sở hữu chi phối cổ phiếu, nhất là đối với một Sen Vàng đang thoi thóp.
Câu chuyện có phần rõ ràng hơn ở Chứng khoán ASAM. Công ty đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động. Thời gian tới, Công ty dự kiến chào bán riêng lẻ 9.37 triệu cp cho 11 nhà đầu tư với giá 12,000 đồng/cp, vốn điều lệ tăng từ 203 tỷ đồng lên gần 297 tỷ đồng.
Trong số 112 tỷ đồng ước tính thu về, 80% dự kiến bổ sung nguồn vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, 20% còn lại dùng đầu tư nâng cấp nền tảng giao dịch và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.
Ngay từ đầu năm 2024, một thương vụ đổi chủ khác cũng diễn ra với 65% vốn của Chứng khoán Thủ Đô (CSCJ) được chuyển nhượng. Tương lai, thị trường thu mua CTCK vẫn sẽ sôi động khi đây là mảnh ghép tài chính quan trọng trong hệ sinh thái của các tập đoàn lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận