Những mã cổ phiếu ngành cảng biển đáng mua trong những ngày cuối năm 2023
Bước sang những ngày cuối năm 2023, các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng hơn với mong muốn có thể kết thúc một năm với nhiều lợi nhuận. Theo đó, ngành cảng biển là ngành mang lại nhiều tiềm năng nhất khi hoạt động xuất nhập khẩu đang dần có dấu hiệu hồi phục...
Nhiều yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp ngành cảng biển có động lực thúc đẩy phục hồi trong những ngày cuối năm 2023.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để tạo điều kiện mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này.
Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư. Theo đó, ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu và thông quan đang ngày càng được cải thiện cùng với một số động thái gần đây của các công ty vận tải biển lớn nhằm chống lại giá vận tải thấp. Thêm vào đó, thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là giai đoạn hoạt động thương mại, mua bán, xuất nhập khẩu được đẩy mạnh.
Hoạt động xuất nhập khẩu đang ngày càng được cải thiện
KẾT QUẢ KINH DOANH ĐÃ CÓ DẤU HIỆU TÍCH CỰC
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu tạo đáy từ đầu năm và hồi phục dần những tháng gần đây.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 564.917 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3%. Trong đó, hàng xuất khẩu giảm 1%, đạt 132.743 triệu tấn; hàng nhập khẩu tăng 5%, đạt 165.342 triệu tấn. Hàng nội địa cũng tăng 3%, đạt 264.764 triệu tấn và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2.068 nghìn tấn.
Bức tranh toàn ngành cảng biển đang sáng dần vào cuối năm 2023, các doanh nghiệp cảng biển như Container Việt Nam (VSC), Gemadept (GMD), Xếp dỡ Vận tải biển Hải An (HAH), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) có kết quả sản xuất kinh doanh khả quan hơn so với quý trước do nhu cầu vận chuyển tăng cao.
Cụ thể, Container Việt Nam (VSC) vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu chung tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Sau 3 quý đầu năm 2023, doanh thu của Container Việt Nam đạt 1.555 tỷ đồng tăng nhẹ 4,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong quý 3, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ở mức 557 tỷ đồng, tăng 9,8%. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ xuống 32% trong khi lợi nhuận gộp đạt hơn 178 tỷ đồng, tăng 8% so với quý 3/2022. Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 50,1 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. So với quý trước doanh thu đã tăng 8,7% và lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng đáng kể lên mức 150%.
Tương tự, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Gemadept (GMD) ghi nhận doanh thu 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ ở mức 1%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.916 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt vỏn vẹn gần 16 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.107 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Trong quý 3/2023, Gemadept ghi nhận 998 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,7% so với quý 2/2023.
Sau 9 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cảng biển có sự phân hóa rõ rệt
Trái ngược với Gemadept, Xếp dỡ Vận tải biển Hải An (HAH) ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 1.948 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022. Quý 3/2023 là quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng âm, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã tăng lần lượt 12% và 43% so với quý trước đó.
Còn với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (MVN), doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận quý 3/2023 tăng nhẹ 0,8% so với quý 2/2023 ở mức 370 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần đạt 9.418 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.582 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.271 tỷ đồng, giảm lần lượt 43%và 46% so với cùng kỳ năm 2022.
CỔ PHIẾU ĐANG TRÊN ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Kết quả kinh doanh khả quan, theo đó giá cổ phiếu ngành cảng biển đang có đà tăng giá tích cực trong tháng qua. Từ phiên ngày 1/11 đến nay, cổ phiếu VSC của Container Việt Nam đã tăng từ 24.400 đồng/cổ phiếu lên 29.150, tăng 20%. Cổ phiếu GMD của “ gã khổng lồ” ngành cảng biển Gemadept cũng tăng 11% từ 61.800 lên đến 69.500 đồng/cổ phiếu.
Tiếp đó, cổ phiếu HAH của Xếp dỡ Vận tải biển Hải An tăng 28% từ 28.950 đồng/cổ phiếu lên đến 37.050 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng đã tăng 15% từ 16.600 đồng/cổ phiếu lên mức 19.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, mặc dù hoạt động kinh doanh không có gì biến động, tuy nhiên cổ phiếu NAP của Cảng Nghệ Tĩnh đã tăng trần liên tiếp trong 7 phiên từ ngày 15/11/2023 đến ngày 23/11/2023, sau đó, đà tăng tiếp tục được nối dài cho đến cuối tháng 11/2023. Ngoài ra, các cổ phiếu doanh nghiệp ngành cảng biển khác như: PHP, CDN, DVP, VNA, TMS... cũng đã có mức tăng nhẹ trong thời gian gần đây.
Vào những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp ngành cảng biển đang tăng tốc hoàn thành các dự án mở rộng cảng, nâng công suất nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty. Theo đó, các chuyên gia nhận định VSC, GMD, HAH, MVN là những mã cổ phiếu sẽ có giá tăng tích cực trong thời gian tới
Được biết, từ quý 4/2022, Container Việt Nam đã bắt đầu vay nợ để mua lại cổ phần tại Cảng Nam Hải Đình Vũ và đầu tư khách sạn Hyatt Place Hải Phòng. Sau khi hoàn tất các giao dịch đầu tư trên, Container Việt Nam sẽ trở thành đơn vị có tổng công suất lớn nhất Hải Phòng với khoảng 2,6 triệu Teus, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, với lợi thế sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ tạo hiệu ứng cộng hưởng khi trực tiếp kết nối với Greem VIP tạo thành hệ thống cầu cảng 1.500 m gần như liền mạch, giúp hoạt động tiếp nhận tàu, sắp xếp hàng hóa được linh động tránh tình trạng quá tải trong một thời điểm làm phát sinh thêm chi phí thuê dịch vụ ngoài.
Gemadept cho biết, việc tăng giá cảng từ năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp, dự kiến sẽ được phê duyệt vào những tháng cuối năm 2023. Theo đó, Gemalink có thể đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong quý 1/2024.
Trong giai đoạn năm 2023-2024, Xếp dỡ Vận tải biển Hải An đã lên kế hoạch liên tục mở rộng quy mô, dự kiến tiếp nhận 4 tàu container mới cỡ 1.800 TEU, nâng tổng sức chở đội tàu lên hơn 23.000 TEU vào cuối năm 2024.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại các cảng biển được dự đoán sẽ nhộn nhịp vào những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024
Để thực hiện hóa các mục tiêu đã đề ra, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược vào ngày 6/11 vừa qua với đơn vị nghiên cứu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Roland Berger.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, đồng thời cũng sẽ đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, ICD, depot… hình thành các trung tâm logistics lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm.
Trước những diễn biến tích cực đến từ thị trường ngành cảng biển, theo Chứng khoán TP.HCM (HSC): sản lượng cảng biển năm 2023 gần như ở mức đáy, hàng tồn kho không còn lớn, nên dù nhu cầu chưa tăng mạnh cũng không còn tình trạng cắt giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2024 còn được hỗ trợ từ mức nền thấp của năm nay.
Triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi giá cước rất thấp so với khu vực. Vào năm 2024, HSC kỳ vọng giá cước, giá sàn xếp dỡ sẽ tăng trưởng khoảng 10%, giúp các doanh nghiệp cảng biển thoả thuận giá cước tốt hơn với các hãng tàu.
“Mỗi đồng doanh thu tăng thêm tương ứng với lợi nhuận tăng thêm do không phát sinh chi phí từ việc này”, bà Chế Thị Mai Trang, trưởng phòng phân tích ngành hàng công nghiệp của HSC cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận