Những doanh nghiệp 'cõi âm' trên sàn chứng khoán Việt
Sàn chứng khoán Việt Nam hiện chỉ có 2 doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực cõi âm là CTCP Mai táng Hải Phòng (UPCOM: CPH) và CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP).
Thờ cúng tổ tiên, thần linh và các vấn đề liên quan tới “cõi âm” là một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt nói riêng và nước Á Đông nói chung. Có cung thì ắt có cầu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành nghề này.
Hiện nay, trên sàn chứng khoán Việt Nam có 2 doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực đặc thù này là CTCP Mai táng Hải Phòng (UPCOM: CPH) và CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP).
Ngày 8/2/2018, Mai táng Hải Phòng chào sàn UPCOM với mã CPH, mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cp. Điều đáng nói, kể từ khi đăng lên UPCOM, cổ phiếu CPH chưa từng có giao dịch nào. Điều này không có gì khó hiểu khi cơ cấu cổ đông CPH khá cô đặc, gồm: UBND TP. Hải Phòng (64,5%), Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát (10%) và ông Nguyễn Hồng Lê – Chủ tịch HĐQT Mai táng Hải Phòng (5,33%).
Kết quả kinh doanh của Mai táng Hải Phòng khá tốt với doanh thu tăng trưởng đều hàng năm. Trong khi đó, lãi sau thuế mỗi năm đạt trên dưới 9 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt 108,9 tỷ đồng, vượt 9% chỉ tiêu đề ra theo ĐHĐCĐ thường niên; lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng, vượt 5,8% kế hoạch. EPS đạt 1.451 đồng, tương đương hệ số P/E ở mức 2,4 lần (thị giá CPH chốt phiên 18/5 là 3.500 đồng/cp).
4 năm trở lại, Mai táng Hải Phòng đều trả cổ tức đều đặn cho cổ đông với tỷ lệ 16%.
Cổ đông tổ chức duy nhất của Mai táng Hải Phòng - Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát được thành lập năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, hiện đóng trụ sở tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Về phần mình, CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập từ năm 1972. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm giấy đế, vàng mã và tinh bột sắn.
Ngày 9/1/2008, Thực phẩm Yên Bái chính thức chào sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã CAP.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, tại tháng 1/2021, xấp xỉ 50% vốn CAP do các lãnh đạo doanh nghiệp nắm giữ, phần lớn trong số đó là của gia đình Chủ tịch HĐQT Trương Ngọc Biên.
Trong quý II/2021 (năm tài chính của CAP kết thúc vào ngày 30/9/2021), doanh thu thuần công ty đạt 114,4 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 13,67 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi.
Lũy kế 2 quý đầu năm tài chính 2020-2021 của CAP, doanh thu công ty đạt 266,3 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ; lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng, gấp 2,4 lần.
Dù là doanh nghiệp bán vàng mã duy nhất trên sàn chứng khoán, nhưng lĩnh vực này trong 2 quý của CAP chỉ góp gần 33,6 tỷ đồng, chiếm 12,6% cơ cấu doanh thu; mảng giấy đế đạt gần 13 tỷ đồng doanh thu, chiếm gần 4,9%. Lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu nội địa 214,9 tỷ đồng, chiếm 80,7%.
Ngoài việc kinh doanh ổn định, CAP còn duy trì việc trả cổ tức tỷ lệ cao cho cổ đông. Năm 2019-2020 công ty trả cổ tức tổng tỷ lệ 40% và kế hoạch trả cổ tức năm 2020-2021 thấp nhất 35%.
Chốt phiên giao dịch 18/5, thị giá CAP đạt 57.700 đồng/cp, giảm 0,5% so với mức giá tham chiếu. Tính trong 1 tháng trở lại đây, CAP đã tăng 24,23%. Còn nếu xét trong 1 năm giao dịch, mã này gây ấn tượng khi tăng đến 109,9%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận