menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Huyền Trang

Những 'cuộc chơi tàu lượn' trên thị trường chứng khoán

Bất chấp việc ngày càng nhiều cổ phiếu được ví như "cây thông Noel" vì đồ thị tăng nhanh, giảm sốc, không ít nhà đầu tư vẫn nuôi mộng được "quà".

10 ngày trước, khi cổ phiếu Licogi lần đầu vượt 100.000 đồng, một group tên "LIC - món quà của chúa" được lập. Nhóm chứng khoán này quy tụ những nhà đầu tư đang dõi theo "con sóng LIC", có người đã nhân mấy lần tài khoản, có người mới xuống tiền, cũng có người đang quan sát.

Cổ phiếu này từng là một mã "vô danh" trên thị trường UPCoM, giao dịch đi ngang quanh vùng giá dưới 20.000 đồng với thanh khoản nhỏ giọt. Đầu tháng 11, một phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản tăng vọt đẩy cổ phiếu này vượt qua khung giá cũ, mở ra chuỗi phiên tăng phi mã.

Với biên độ 15% mỗi phiên, LIC nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng của UPCoM. Mã này lần đầu vượt ngưỡng 100.000 đồng vào ngày 26/11, thị giá gấp 5 lần chỉ trong hơn hai tuần.

Trên các diễn đàn, các nhóm chứng khoán, nhiều người bắt đầu ca ngợi LIC là "món quà của chúa", "cơ hội đổi đời", "là cổ phiếu mà mọi người sẽ hối hận nếu không sở hữu". Nhiều nhà đầu tư đang theo dõi không giữ được bình tĩnh, họ vẫn kỳ vọng có thể nhân đôi tài khoản dù giá đã gấp nhiều lần.

Ba phiên sau khi group "món quà của chúa" được lập, cổ phiếu này tăng trần liên tiếp, lên gần 150.000 đồng. Nhưng cuộc chơi không kéo dài lâu. Phiên 1/12, mã này mở cửa ở trạng thái tăng trần, diễn biến thường thấy trong gần một tháng trước đó, nhưng nửa sau của phiên giao dịch, áp lực chốt lời tăng vọt khiến LIC đảo chiều, chốt phiên giảm gần 11%. Phiên 1/12 cũng mở đầu cho chuỗi phiên lao dốc của "con tàu" LIC. 6 phiên liên tiếp sau đó, nó trong trạng thái "trắng bảng bên mua".

Cổ phiếu lao dốc về dưới 60.000 đồng, vẫn gấp ba lần so với mức trước tăng, nhưng đã giảm 65% so với mức đỉnh. Nhìn vào đồ thị giá, nhiều nhà đầu tư còn nói vui rằng cổ phiếu này là "cây thông Noel" tặng những người đu đỉnh trong dịp giáng sinh sắp tới.

Với người trong cuộc, đồ thị "cây thông Noel" không mang lại niềm vui. Các group ca ngợi mã này đã biến mất không dấu vết sau chuỗi phiên giảm sàn, còn nhà đầu tư chót mua ở mức giá cao như ngồi trên đống lửa. Nhiều người may mắn có thể thoát hàng khi đặt lệnh sớm, nhưng không ít người ngày ngày treo lệnh bán không thành công do không có người mua.

Những 'cuộc chơi tàu lượn' trên thị trường chứng khoán
Đồ thị của LIC được ví như "cây thông Noel" vì tăng nhanh, giảm sốc. Ảnh: Trading View

LIC cũng không phải "cây thông Noel" duy nhất trên sàn chứng khoán.

Trong hơn hai tháng gần đây, khi dòng tiền nóng rời khỏi nhóm vốn hóa lớn để chuyển xuống nhóm mid-cap và penny, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng không kém gì LIC. Kỳ vọng vào khoản lợi nhuận cao trong thời gian ngắn khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua yếu tố cơ bản để lao vào cuộc chơi này. Nhưng diễn biến sau đó của nhiều cổ phiếu, tăng nhanh rồi giảm sốc, cũng không khác.

Sớm hơn LIC 10 ngày, cổ phiếu IDI bắt đầu chuỗi phiên tăng trần từ 1/11, khởi đầu từ mức thị giá hơn 8.000 đồng. Mã này tăng miệt mài trong hơn một tháng lên mức đỉnh hơn 25.000 đồng, gấp gần ba lần, rồi đảo chiều giảm sàn liên tiếp. Sau 8 phiên "trắng bảng bên mua", tới 9/12, thị giá IDI giảm về ngưỡng 14.300 đồng, mất gần 50% so với mức đỉnh trước đó.

Ngoài IDI, LIC, diễn biến của SJF, TNI cũng không khác nhiều, cùng chung kịch bản "tăng nhanh, giảm sốc". SJF tăng trần liên tiếp cùng thời gian với IDI, từ vùng giá 9.000 đồng lên hơn 24.000 đồng nhưng đã giảm gần 50% chỉ sau thời gian ngắn.

Ngoài nhóm "cây thông Noel", sự dịch chuyển của dòng tiền vào các nhóm vốn hóa thấp giai đoạn vừa qua cũng đẩy nhiều cổ phiếu tăng mạnh, dù kết quả kinh doanh lao dốc.

Nhóm cổ phiếu Sông Đà là một ví dụ. Nếu chỉ nhìn từ kết quả kinh doanh, không có lý do nào đủ thuyết phục để giải thích cho chuỗi phiên tăng đột biến gần đây. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, dù kết quả đi lùi, thậm chí thua lỗ, nhưng vẫn trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán.

Thậm chí, có một số cổ phiếu bị kiểm soát, chỉ được giao dịch trong phiên thứ sáu do vi phạm quy định công bố thông tin hoặc ghi nhận lỗ lũy kế, cũng trở thành hiện tượng. PVX, PXL, SGO... tăng trần liên tiếp dù chỉ giao dịch một phiên mỗi tuần.

Giải thích về diễn biến này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, một số doanh nghiệp bất động sản được chú ý trong nhịp tăng vừa qua, dù kết quả kinh doanh lao dốc, có thể do kỳ vọng vào quý IV và năm sau. Kết quả kém tích cực trong quý III, với nhiều nhà đầu tư, có thể đã là đáy của doanh nghiệp này, đồng nghĩa với khả năng tăng trưởng trở lại những quý sau. "Họ mua cổ phiếu vì kỳ vọng vào tương lai thay vì chỉ nhìn vào kết quả của quý vừa qua", ông Minh giải thích.

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp doanh nghiệp không có yếu tố nền tảng cơ bản mà cổ phiếu vẫn tăng sốc, theo đánh giá của chuyên gia này, thường mang tính chất đầu cơ cao. Tức là nhà đầu tư không mua vì nội tại doanh nghiệp mà kỳ vọng kiếm lợi nhanh rồi rút lui.

Trong trường hợp này, có nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận nếu vào đúng nhịp, nhưng nếu vào khi cổ phiếu đã ở vùng đỉnh, mức thua lỗ sẽ là rất lớn.


Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
1 Bình luận 9 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại