Nhựa Bình Minh (BMP) gặp khó khi nguyên vật liệu tăng giá
Giá các nguyên vật liệu nhựa đầu vào tăng cao đang là khó khăn lớn đối với bài toán lợi nhuận của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) trong bối cảnh sức ép cạnh tranh cao trên thị trường.
Lợi nhuận giảm trước xu hướng tăng mạnh giá nguyên liệu
Tại cuộc họp chuyên viên phân tích và nhà đầu tư đầu quý II/2021 diễn ra trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên của Nhựa Bình Minh, ban lãnh đạo Công ty đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2021 với sản lượng bán hàng đạt 25.584 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân cũng tăng, giúp doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 13%.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm khá mạnh, chỉ đạt 84 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020. Việc biên lợi nhuận của Nhựa Bình Minh sụt giảm trước sức ép tăng giá nguyên vật liệu đầu vào là kịch bản đã được dự báo trước trong xu hướng tăng giá của các loại hạt nhựa suốt từ nửa cuối năm 2020 đến nay.
Trong một cập nhật vào tháng 3/2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết, giá bột nhựa PVC trung bình trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên 1.085 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo cập nhật của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS), đến đầu tháng 4/2021, giá PVC tại các thị trường tại châu Âu đã có tháng tăng thứ 11 liên tiếp và đà tăng giá dự kiến sẽ kéo dài sang quý II/2021. Trước đó, Giá PP và PE cũng đã tăng đáng kể trong tháng 3, phá vỡ mức cao nhất mọi thời đại ghi nhận trong năm 2015.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, với sự đứt gãy nguồn cung do Covid-19, nhiều khả năng, giá bột nhựa sẽ ở mức trên 1.000 USD/tấn trong năm 2021.
Thận trọng với kế hoạch năm 2021
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông 2021 tổ chức vào ngày 27/4, HĐQT Nhựa Bình Minh dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2021 là doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2020; lợi nhuận trước và sau trước thuế lần lượt là 657 tỷ đồng và 523 tỷ đồng, tương đương năm 2020.
Nhựa Bình Minh vừa trải qua năm 2020 kinh doanh khá thành công, với lợi nhuận sau thuế tăng 23,6% so với thực hiện trong năm 2019. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 22,8% năm 2019 lên 26,6% trong năm 2020, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh trong nửa đầu năm.
Như vậy, so với thực hiện của năm 2020, có thể thấy, kế hoạch kinh doanh của Nhựa Bình Minh là khá thận trọng, đặc biệt về lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, kế hoạch này đặt ra trong bối cảnh “giá bột PVC đã tăng 1,9 lần so với giá bình quân năm 2020, giá nguyên liệu liên tục bị lạc hậu trong chu kỳ siêu tăng giá trên toàn cầu, trong khi nguồn cung bị hạn chế do giá cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy nặng nề”.
Nhựa Bình Minh hiện là doanh nghiệp nhựa lớn nhất tại Việt Nam về sản xuất ống và phụ tùng ống nhựa các loại với khoảng 43% thị phần tại khu vực miền Nam, khoảng 5% thị phần tại khu vực miền Bắc và chiếm 28% thị phần ống nhựa trong cả nước (theo nguồn SCG Research năm 2019).
Điểm mạnh của Công ty được đánh giá đến từ quy mô sản xuất lớn với 4 nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Hưng Yên và Long An, với công suất khoảng 150.000 tấn sản phẩm/năm, trong khi sản lượng tiêu thụ năm 2020 mới ở mức 110.574 tấn.
Thương hiệu được nhận diện tốt cũng là một lợi thế của công ty trong việc cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành. Tháng 12/2020, Nhựa Bình Minh được Forbes Việt Nam xếp trong Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 với giá trị đạt 20,9 triệu USD.
Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh cũng đang sở hữu cơ cấu tài chính mạnh với nợ vay chỉ chiếm 2,8% cơ cấu nguồn vốn đến cuối năm 2020, trong khi nguồn lực dự trữ lớn với số tiền và tương đương tiền đạt 1.406 tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng tài sản và dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào.
Điểm mạnh về tài chính này giúp Nhựa Bình Minh có chính sách chi trả cổ tức tiền mặt khá ổn định cho cổ đông, với cổ tức ở mức cao. Trước Đại hội đồng cổ đông năm 2021, HĐQT Công ty đã trình phương án dành đến 99% tổng lợi nhuận đạt được trong năm 2020 để chia cổ tức cho cổ đông, tổng tỷ lệ cổ tức chi trả cho mỗi cổ phiếu lên đến 63,2% tính theo mệnh giá.
Tuy nhiên, Nhựa Bình Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đáng kể nhất là sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ cùng ngành như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành, Phúc Hà...
Trước sức ép cạnh tranh đó, song song với việc cơ cấu lại hệ thống phân phối để hiệu quả hơn, Nhựa Bình Minh đã phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để giữ thị phần thông qua việc tăng tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý, tăng chi phí bán hàng.
Riêng trong năm 2020, chi phí bán hàng của Công ty Nhựa Bình Minh đã tăng 79,6% so với năm 2019, vượt xa mức tăng trưởng doanh thu, trong đó chi phí bán hàng của hệ thống phân phối tăng 2,22 lần.
Trong khi đó, Công ty đang có mức dự trữ tồn kho (bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm) khá ngắn, chỉ tương đương 40 ngày giá vốn kinh doanh của năm 2020, khiến biên lợi nhuận hoạt động cốt lõi được đánh giá sẽ khá nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu.
Tính đến cuối năm 2020, theo báo cáo tài chính của Nhựa Bình Minh, giá trị tồn kho ở mức 397,9 tỷ đồng, giảm 12,7% so với đầu năm. Điều này cho thấy, Công ty có thể đã không chủ động thực hiện chính sách tăng tồn kho trong giai đoạn giá nguyên vật liệu còn thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận