Nhà thầu xây lắp liêu xiêu trong “bão” giá
Giá hàng loạt vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá xây dựng và đặc biệt là xăng dầu tăng cao khiến nhà thầu xây lắp đau đầu bởi rất nhiều hợp đồng xây lắp trọn gói với đơn giá, định mức cũ không bắt kịp diễn biến thị trường. Giới nhà thầu xây lắp thực hiện dự án đầu tư công đang liêu xiêu trong “bão” giá, cũng vì thế nhiều dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Khảo sát cho thấy, trong nửa cuối tháng 3, có đến 13 doanh nghiệp sản xuất xi măng thông báo tăng giá sản phẩm với mức tăng ít nhất là 100.000 đồng/tấn. Đơn cử, bảng giá vật liệu xây dựng mới nhất của Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) nâng giá bán xi măng bao và xi măng bao Jumbo thêm 100.000 đồng mỗi tấn, đã bao gồm VAT. Công ty CP Xi măng Hoàng Long điều chỉnh giá bán xi măng PCB40 các loại lên thêm 120.000 đồng một tấn. Riêng Công ty CP Xi măng Thành Thắng Group tăng giá bán xi măng bao và rời mang thương hiệu Thành Thắng và Thịnh Thành thêm 150.000 đồng một tấn.
Giá thép xây dựng trong kỳ điều chỉnh mới nhất dao động từ 18.000 - hơn 19.000 đồng/kg. Tại thị trường miền Nam, giá thép xây dựng Hoà Phát ở mức 18.280 - 18.480 đồng/kg tuỳ thuộc vào chủng loại. Thép xây dựng Việt Ý ở mức từ 18.180 - 18.380 đồng/kg. Thép xây dựng Việt Nhật cũng được công bố ở mức từ 18.220 - 18.420 đồng/kg. Giá thép xây dựng Pomina đang ở mức 17.860 - 18.170 đồng/kg. Theo một số nhà thầu, giá thép trên là do các nhà sản xuất công bố, giá cung cấp tới chân công trình có thể cao hơn, phụ thuộc vào chủng loại, điều kiện vận chuyển và khối lượng hàng đặt mua. Khoảng 8 tháng trở lại đây, giá thép xây dựng tăng khoảng 40%.
Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận giá cát, sỏi xây dựng cũng tăng. Hiện giá cát san lấp khoảng 170.000 đồng/m3, cát bê tông 370.000 - 380.000 đồng/m3, cát xây vữa khoảng 280.000 đồng/m3, đá dăm khoảng 280.000 đồng/m3. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT. Từ đầu năm 2022 tới nay, giá các loại vật liệu này tăng khoảng 20%. Hiện áp lực tăng giá ngày càng lớn khi chi phí vận chuyển tăng bởi giá xăng dầu tăng.
Sau nhiều lần tăng giá, sáng ngày 18/3/2022, giá xăng RON 95-V là 30.320 đồng/lít (vùng 1) và 30.920 đồng/lít (vùng 2); xăng RON 95-III giá 29.820 đồng/lít (vùng 1) và 30.410 đồng/lít (vùng 2); xăng E5 RON 92-II giá 28.980 đồng/lít (vùng 1) và 29.550 đồng/lít (vùng 2); dầu DO 0,001S-V giá 25.610 đồng/lít và 26.120 đồng/lít.
Đại diện Công ty TNHH Cường Hùng (tỉnh Đồng Nai), nhà thầu thi công Dự án Hương lộ 2 cho biết, với tình hình giá xăng, dầu và vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, nhà thầu chịu rất nhiều áp lực về chi phí trong khi đơn giá trong hợp đồng không thể điều chỉnh. Điều này khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn và đang rơi vào cảnh càng làm càng lỗ.
Chung nỗi lo về giá, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thi công xây dựng cầu đường Hồng An, một nhà thầu đang thi công nhiều gói xây lắp hệ thống thoát nước tại TP.HCM cho biết, với các gói thầu có thời gian thi công ngắn thì nhà thầu còn chống chịu được, còn với gói thầu có thời gian thi công dài, nhà thầu nắm chắc phần lỗ vì hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh giá. “Giá xăng dầu cùng với sắt thép, xi măng, cát xây dựng tăng làm chúng tôi liêu xiêu trong bão giá”, ông Hiệp nói và cho biết áp lực tăng giá cũng khiến giá nhân công tăng, trong khi tiến độ các công trình xây dựng không thể lùi chờ giá giảm.
Ông Phạm Hòa Lạc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Băng Dương, một nhà thầu xây lắp nhiều dự án hạ tầng tại tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An cho biết, so với thời điểm trúng thầu, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng hiện đã tăng cao, kéo chi phí phục vụ thi công cũng tăng cao làm đảo lộn phương án tài chính so với hồ sơ dự thầu. Gần 1 năm qua, Công ty phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá vật liệu xây dựng tăng, giờ đây thêm giá xăng, dầu tăng, áp lực càng lớn.
Trước tình hình đó, các nhà thầu xây lắp đang ngóng trông vào chính sách điều hành, ổn định giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, đặc biệt là chính sách điều chỉnh bù giá cho các gói thầu xây lắp sử dụng vốn đầu tư công. Hiện nay, nguy cơ chậm tiến độ các dự án đã hiện hữu khi nhiều nhà thầu dần kiệt sức vì phải gồng mình chịu “bão” giá. Thực tế, tại một số dự án đã xuất hiện tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng đề chờ giá xăng, dầu, vật liệu xây dựng “hạ nhiệt”. Dù cam kết nỗ lực thi công theo tiến độ hợp đồng đã ký kết, giới nhà thầu xây lắp vẫn mong mỏi các cơ quan hữu trách sớm có giải pháp để giảm bớt khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận