Nhà thầu Ricons tăng trưởng nê chiến lược nhắm tới phân khúc thị trường riêng
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, ngay từ ban đầu đã lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp với năng lực của mình, tiếp cận các dự án có giá trị hợp đồng thầu vừa và nhỏ, tích lũy tài chính và kinh nghiệm dần dần phát triển lên vị trí nhà thầu thứ 3 trong bảng xếp hạng các nhà thầu hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Ricons là công ty có bề dày lịch sử với 16 năm trong lĩnh vực xây dựng. Được thành lập từ năm 2004, cổ đông sáng lập của Ricons lúc bấy giờ có Coteccons (CTD) chiếm 20% cổ phần (hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 14,3%). Năm 2012, khi nhóm Kusto đầu tư vào Coteccons đã biết về sự tồn tại của Ricons.
Nói về những lợi ích Coteccons có được từ Ricons, ngay giai đoạn mới thành lập, Ricons đã tạo ra việc làm cho Coteccons thông qua việc giao thầu hai dự án lớn là Botanic Towers và Saigon Pavillon, tại TP.HCM. Đây được xem là nguồn công việc hiệu quả thiết thực góp phần gia tăng doanh thu của Coteccons ở thời điểm đó.
Về phân khúc thị trường, Ricons và Coteccons đều có thế mạnh riêng. Cụ thể, phân khúc khách hàng truyền thống của Ricons là các nhà xưởng FDI, dự án khu villa quy mô, dự án thương mại dịch vụ (khách sạn, siêu thị,…) và đặc biệt là các dự án căn hộ chung cư cao tầng phân khúc tầm trung và trung cao.
Khi xây dựng chiến lược phát triển, nhận thấy thực tế trên thị trường, không công ty nào có thể đồng thời làm được hết, làm được tốt ở tất cả các phân khúc thị trường nên Ricons ngay từ khi bắt đầu tham gia vào thị trường đã chọn phân khúc phù hợp với năng lực mình. Ricons khởi đầu bằng việc năng động tiếp cận các dự án có giá trị hợp đồng thầu vừa và nhỏ, tích lũy tài chính và kinh nghiệm dần dần phát triển lên. Hiện nay, Công ty đủ trình độ kỹ thuật thi công dự án cao tầng yêu cầu cao về độ khó và thẩm mỹ.
Trong khi đó Coteccons, với tiềm lực kỹ thuật và tài chính vượt trội hơn các doanh nghiệp cùng ngành, đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường và làm tổng thầu, thường nhận các siêu dự án (mega-project), dự án cao tầng và siêu cao tầng có giá trị hợp đồng lớn và rất lớn.
Để tạo năng lực, lợi thế cạnh tranh riêng, trong chặng đường phát triển Ricons đã sớm xây dựng chuỗi giá trị của mình. Ngoài xây lắp, Ricons còn có nhà xưởng sản xuất gia công thiết bị xây dựng, có công ty phân phối môi giới bất động sản để hỗ trợ khách hàng và mảng văn phòng cho thuê. Thêm vào đó, Ricons đã nhanh chóng hợp tác với các chủ đầu tư cùng phát triển dự án bất động sản để chuẩn bị nguồn thu ổn định trong các năm tới.
Trong hoạt động kinh doanh, không thể phủ nhận với sự tăng trưởng hiệu quả liên tiếp nhiều năm, Ricons đã đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông nói chung, trong đó có Coteccons. Trên thực tế, nhìn vào khoản đầu tư của Coteccons vào Ricons từ năm 2012 đến nay, giá trị đã tăng hơn 20 lần.
Cụ thể, với vốn đầu tư ban đầu hơn 20 tỷ đồng, sau 8 năm con số này đã nhân lên hơn 400 tỷ đồng, ước tính theo giá trị thị trường. Điều này chứng tỏ khoản đầu tư của Coteccons vào Ricons mang lại lợi nhuận rất cao cho doanh nghiệp này.
Phân khúc thị phần riêng và hiệu quả hoạt động là lý do chính để Coteccons đưa ra ý tưởng sáp nhập Ricons nhằm tối ưu hóa lợi ích cao nhất cho Coteccons và cổ đông. Tuy nhiên, năm 2019 tại ĐHĐCĐ, dự định này của Coteccons đã không thành khi nhóm cổ đông lớn phủ quyết.
Theo Báo cáo thường niên 2019 của Ricons, năm 2019, Ricons đạt 8.752,4 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận gộp đạt 521 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 360,3 tỷ đồng, giảm gần 16,5% so với năm trước.
Cũng theo Báo cáo thường niên 2019, tính tới cuối năm 2019, Ricons có vốn điều lệ 317,2 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ đông, cổ đông trong nước sở hữu 80,88%, trong đó 7 tổ chức sở hữu 18,88%, còn lại là cá nhân; cổ đông nước ngoài sở hữu 19,12%, chủ yếu là các tổ chức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, do khó khăn của môi trường kinh doanh, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 mà HĐQT trình với doanh thu hợp nhất 7.500 tỷ đồng, bằng 85,7% so với thực hiện 2019 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 250 tỷ đồng, bằng 70% thực hiện 2019.
Đây là chỉ tiêu kinh doanh khả quan so sánh tương quan với doanh nghiệp ngành xây dựng, trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM ách tắc thủ tục triển khai dự án bất động sản cũng như nền kinh tế chưa thể phục hồi sau dịch bệnh covid 19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận