Nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 2.000 tỉ đồng trong tháng 2
Nhà đầu tư cá nhân trong nước và các nhà đầu tư tổ chức đã có giao dịch ngược chiều nhau trong tháng 2/2022.
Trong tháng 2, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều điều chỉnh trước khả năng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát, thêm vào đó là căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Trong khi đó, dòng tiền tìm đến các tài sản phi rủi ro để trú ẩn, như vàng. Căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy giá các loại hàng hóa (như than, dầu, khí tự nhiên, nhôm, lúa mì…) tăng đáng kể.
Trong bối cảnh đó, VN-Index tiếp tục giằng co trước ngưỡng 1.500 điểm, gần mức đỉnh cao lịch sử, tăng dưới 1% so với tháng trước đó. Mặc dù hầu hết các ngành đều tăng điểm trong tháng 2, ngân hàng và bất động sản giảm điểm mạnh đã tạo áp lực kéo điểm chỉ số. Đáng chú ý, ngành nguyên vật liệu tăng giá đáng kể trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao như thép, phân bón và hóa chất, cao su.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, giá trị khớp lệnh bình quân tháng 2 giảm xuống dưới mức 25.000 tỉ đồng/ngày, thấp hơn 15% so với mức bình quân tháng trước đó. Mirae Asset cho rằng thị trường đang phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài đang gia tăng. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần cuối của tháng 2.
Cũng theo số liệu từ Mirae Asset, nhà đầu tư cá nhân trong nước (chiếm 87% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường) mua ròng hơn 2.200 tỉ đồng trong tháng 2, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước (chiếm 7% tổng giá trị giao dịch) bán ròng hơn 1.900 tỉ đồng. Khối ngoại (chiếm 6% tổng giá trị giao dịch) tiếp tục bán ròng, tuy nhiên với giá trị nhỏ.
Mirae Asset cho biết họ giữ nguyên mức dự báo EPS toàn ngành năm 2022, tương đương mức tăng gần 21% so với năm 2021 (phù hợp với mức đồng thuận của thị trường, Bloomberg consensus). Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trên cơ sở đánh giá các động lực tăng trưởng và rủi ro chính trong năm 2022, Mirae Asset điều chỉnh lại kỳ vọng tăng trưởng theo ngành.
Đầu tiên, ngành vận tải (chủ yếu là hàng không) và dịch vụ tiêu dùng (bao gồm dịch vụ hàng không, khách sạn, du lịch) sẽ có mức tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 từ mức nền thấp, hỗ trợ bởi yếu tố mở cửa lại ngành du lịch, và chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, Mirae Asset lưu ý rằng dù kỳ vọng mức tăng trưởng khá cao nhưng mức EPS dự báo năm 2022 vẫn thấp hơn so với trước dịch. Ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng tốt cùng với nhu cầu tiêu dùng nội địa được hồi phục. Ngành dầu khí được kỳ vọng tăng trưởng cao trong năm 2022 trong bối cảnh giá dầu tăng cao (với mức kỳ vọng giá dầu duy trì trên 85 USD/thùng). Ngành Y tế (bệnh viện) sẽ tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.
Đối với ngành ngân hàng, Mirae Asset đánh giá ngân hàng duy trì mức tăng trưởng trên 20% nhờ nhu cầu tín dụng cao, và đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài lãi. Đối với áp lực nợ xấu, việc chủ động trích lập dự phòng cao trong năm trước được kỳ vọng làm giảm áp lực lên lợi nhuận của năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận