Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Thay vì chỉ đầu tư để thu lợi nhuận, người giàu Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc kinh doanh ở nước ngoài khi kinh tế trong nước chậm lại.
"Tôi đang học tiếng Trung và có lẽ phải thuê thêm nhân viên nói tiếng Trung nữa", Ryota Kadogaki - đồng sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn Monolith (Nhật Bản) - cho biết.
Ông lý giải việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và đồng yen yếu đi đang khiến người giàu nước này quan tâm đến việc làm ăn tại Nhật Bản hơn. Dù yen gần đây đã tăng giá so với nhân dân tệ, đồng tiền này vẫn yếu hơn so với năm 2020.
Kadogaki cho biết mua doanh nghiệp ngoại là cách nhà đầu tư Trung Quốc chuyển tài sản ra nước ngoài. Ông ví dụ một khách hàng của mình là quỹ đầu tư công nghệ tại Trung Quốc đang tìm cách mua một cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản để tăng doanh thu.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư đại lục đã rót 83,5 tỷ USD vào các lĩnh vực phi tài chính ở nước ngoài, tăng 16,2% so với năm ngoái. Hơn 6.100 doanh nghiệp đã đầu tư vào 152 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Hầu hết khách hàng của chúng tôi là những doanh nhân gốc Trung đang tìm cách toàn cầu hóa hơn nữa. Rõ ràng là họ đang tìm kiếm cơ hội khác trên thế giới, khi thị trường nội địa chậm lại", Grant Pan - Giám đốc Tài chính của công ty quản lý tài sản Noah Holdings (Trung Quốc) cho biết.
Noah Holdings nói số tài sản họ quản lý tại Trung Quốc đã giảm 6% so với năm ngoái, về 15,8 tỷ USD quý II. Ngược lại, số tài sản ở nước ngoài tăng gần 15% lên 5,4 tỷ USD.
Trung Quốc kiểm soát vốn rất chặt. Mỗi người chỉ được mang ra nước ngoài 50.000 USD mỗi năm. Việc này khiến người giàu Trung Quốc từ lâu đã tìm cách để phát triển tài sản ở nước ngoài.
Tăng trưởng tại Trung Quốc gần đây chậm lại sau nhiều năm phát triển nhanh. Trong quý II, GDP nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích. Nhiều hãng tiêu dùng nước ngoài cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm tại đây.
Doanh nghiệp Trung Quốc vì thế phải tăng tốc toàn cầu hóa để tìm cơ hội. Điều này trái ngược với thế hệ doanh nhân trước đây - chủ yếu tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc hoặc mua bất động sản ở nước ngoài.
Pan cho biết nhiều khách hàng của ông đã mở văn phòng tại Hong Kong, Singapore hoặc Nhật Bản để tìm cơ hội kinh doanh trên toàn cầu, trong khi vẫn giữ hoạt động tại Trung Quốc đại lục. Việc này thể hiện rõ qua nhu cầu di chuyển quốc tế bằng máy bay riêng ngày càng tăng.
"Dù đó là Đông Nam Á, Trung Đông hay châu Phi, các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đều có cơ hội. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều chuyến bay bằng chuyên cơ đến đây", Paul Desgrosseilliers - CEO hãng bảo trì máy bay cá nhân ExecuJet Haite General Aviation Services cho biết.
Dù vậy, Mu Chen - Giám đốc hãng phần mềm Canopy (Singapore) cho biết xu hướng người giàu Trung Quốc tìm cách mở rộng kinh doanh ra toàn cầu vẫn còn ở giai đoạn tương đối sớm và không phải gia đình nào cũng chọn ra nước ngoài. Một gia đình kinh doanh gia vị ở Trung Quốc, với người sáng lập hiện đã lớn tuổi không cảm thấy phải toàn cầu hóa kinh doanh hay lên kế hoạch cho tài sản của mình.
"Các doanh nhân thế hệ sau thường mới nghĩ đến việc toàn cầu hóa nhiều hơn", Chen nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường