'Người bị thu hồi đất không nhất thiết cần nhà to hơn'
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng người bị thu hồi đất cần môi trường sống tốt hơn chứ không nhất thiết phải có nhà to và đường vào thênh thang hơn.
Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 21/6, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) cho biết không đồng tình khi ban soạn thảo bỏ nguyên tắc "người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".
"Ban soạn thảo lý giải việc bỏ nguyên tắc này vì còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo tôi lý giải như vậy là chưa hiểu đúng tinh thần Nghị quyết 18 Trung ương", ông Huân nói.
Theo đại biểu tỉnh Bình Dương, nội dung trong nghị quyết 18 Trung ương về chính sách đất đai không nên chỉ hiểu theo nghĩa đen là người dân phải có nhà to hơn, đường vào thênh thang hơn, thu nhập cao hơn. Cuộc sống của người dân ở nơi mới có tốt hơn hay không cần nhiều chỉ số đánh giá như môi trường sống tốt hơn, con cái được học hành chu đáo. Việc này cần thực hiện thông qua điều tra xã hội học bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.
Ông Huân cho rằng hiểu không đúng chủ trương trong Nghị quyết của Trung ương nên Ban soạn thảo đề xuất thu hồi đất nông nghiệp cũng có thể được bồi thường bằng nhà ở. Quy định như vậy là chỉ quan tâm đến thu nhập cụ thể của họ chứ chưa quan tâm đến sinh kế, trong khi người dân mất đất nông nghiệp là mất sinh kế.
"Người dân được đền bù bằng nhà ở nhưng công việc hằng ngày không có sẽ khiến cuộc sống kém đi. Đến lúc nào đó, họ sẽ bán ngôi nhà được đền bù để lấy tiền tiêu và thành vô gia cư", ông Huân phân tích.
Ông đề nghị Ban soạn thảo tìm hiểu một số dự án, nghiên cứu Nghị quyết 18 để giải thích lại cho cử tri. Không thể vì một vài ý kiến mà bỏ nguyên tắc "người dân bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, bởi đây là bước đi thụt lùi".
Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó đoàn Trà Vinh cũng nêu một số điểm chưa rõ trong dự thảo luật liên quan việc xác định thiệt hại, bồi thường và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
"Vấn đề hỗ trợ người dân di chuyển, tiền thuê nhà tạm cư, ổn định cuộc sống, đào tạo nghề... là những thiệt hại mà người dân có đất bị thu hồi phải gánh chịu. Nhà nước phải bồi thường chứ không nên coi là hỗ trợ", ông Bình nói.
Ông cũng đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân, đảm bảo giá trị đền bù sát hơn giá thị trường. Khi Nhà nước thu hồi đất phải làm rõ trách nhiệm giải trình, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên là Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
Đề cập đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nêu thực tiễn triển khai Vành đai 4 vùng Thủ đô. Ông nói việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ.
Sau gần một năm từ khi Quốc Hội có Nghị Quyết thông qua chủ trương đầu tư đến nay công tác giải phóng mặt bằng đạt 81,5%.
Dự thảo đã đề cập tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập, nhưng ông Thường cho rằng "vẫn còn chung chung, chưa thực sự rõ ràng". Ông đề nghị cụ thể hóa các trường hợp được tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để người quyết định đầu tư quyết.
Ngoài ra, ông Thường đề nghị cân nhắc giảm số ngày làm một số thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất để rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận