Nghịch lý đấu thầu vàng
3 phiên đấu thầu vàng thì có đến 2 phiên bị hủy và 1 phiên ế ẩm. Vì sao đấu thầu vàng không hấp dẫn trong khi giá kim loại quý này đang “nóng” nhất kể từ trước đến nay?
Chỉ 1 phiên đấu thầu vàng được tổ chức
Nhằm can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và thế giới chênh lệch ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai các phiên đấu thầu bán vàng. Trong 3 phiên gọi đấu thầu bán vàng vào các ngày 22/4, 23/4 và 25/4, chỉ duy nhất phiên 23/4 được tổ chức.
Phiên đấu thầu đầu tiên theo kế hoạch tổ chức vào đầu tuần (22/4) nhưng không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. NHNN cũng lên kế hoạch đấu thầu phiên 25/4 nhưng không thành công do chỉ có 1 thành viên tham gia.
Theo kết quả đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu là SJC và ACB với tổng khối lượng trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu (80,7 triệu đồng/lượng) là 630.000 - 640.000 đồng/lượng. Như vậy, trong tổng số 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu thầu, "ế" đến 80% tức tương đương 13.400 lượng vàng.
Nguyên nhân bị ế theo giới chuyên môn là do giá đấu thầu vàng miếng của NHNN công bố không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Đơn cử như giá phát thầu sáng 25/4, NHNN đưa ra là 82,76 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vàng của các đơn vị trên thị trường cùng thời điểm 1,2 triệu đồng/lượng. Hoặc như phiên 22/4, mức giá tham chiếu đặt cọc 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra xấp xỉ với giá trên thị trường lúc đó chỉ 82 triệu đồng/lượng.
Theo một DN kinh doanh vàng, với giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng, các đơn vị tham gia đấu thầu đặt cọc, với tỷ lệ đặt cọc là 10%. Như vậy, để đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, DN cần đặt cọc khoảng 11,5 tỷ đồng và tổng số tiền phải thanh toán là 114,5 tỷ đồng cho một lô. 1.400 lượng tương đương số lượng vàng mà DN lớn bán ra trong vòng một tuần. DN sẽ cần tính toán mua giá đó thì bán cho ai, hoặc phải có đầu ra thì các DN mới tham gia đấu thầu. Chưa kể rủi ro về giá vì giá vàng thế giới hiện nay biến động trong biên độ rất lớn.
Một số DN cho rằng, nếu không có sự thay đổi về giá đấu thầu cũng như điều chỉnh khối lượng thì khó có thể thành công trong mục tiêu tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
Ví dụ trong khi SJC đang mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra xoay quanh 84 triệu đồng/lượng thì giá đấu thầu khởi điểm của NHNN chỉ nên ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng. Khi đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của các DN. Đồng thời, NHNN nên xem xét giảm khối lượng tối thiểu để đấu thầu xuống thấp hơn, còn khoảng 500 - 1.000 lượng.
Giá vàng trong nước lại ngược chiều thế giới
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4 ghi nhận sức bật mạnh mẽ của giá vàng khi vọt lên 85,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, tính chung tuần qua, vàng thế giới giảm 50 USD/ounce, khép lại tuần ở mức 2.337,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York giao dịch tại 2.349,6 USD/ounce. Như vậy, giá vàng trong nước giảm chậm hơn vàng thế giới.
Mua bán vàng tại cửa hàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội.
Với cú bật những ngày trước thềm nghỉ lễ, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới quy đổi nới rộng trở lại, lên tới 13,4 triệu đồng/lượng. Trước đó, khi có thông tin NHNN đấu thầu vàng miếng, khoảng cách vàng trong nước và thế giới xuống 8 triệu đồng/lượng.
Có một điều lạ là trước thềm NHNN chuẩn bị đấu thầu thì giá vàng trong nước giảm rất mạnh 1 - 2 triệu đồng/lượng. Nhưng khi có kết quả đấu thầu hoặc thông báo hủy đấu thầu do không có đủ thành viên tham dự thì giá vàng trong nước lại bật lên mạnh. Bối cảnh này làm người ta nhớ đến nghi vấn những "tay to" trên thị trường bắt tay làm giá, neo vàng trong nước một mình một chợ từng được đặt ra trước đây.
Thị trường trong nước tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao ngay cả trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, giá vàng SJC niêm yết phổ biến ở ngưỡng 82,6 triệu đồng/lượng (mua vào), 84,8 - 85 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch mua bán 2,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm nhẹ ở chiều mua vào, trong khi bán ra vẫn đứng ở mức cao. Chiêu mua rẻ bán đắt vẫn được các DN kinh doanh vàng áp dụng khi độ rủi ro trên thị trường tăng cao.
Các chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới sẽ chạm ngưỡng kháng cự 2.350 USD/ounce trong những ngày đầu tuần. Nếu không vượt mức cản 2.350 USD/ounce, giá vàng sẽ trở về các mức hỗ trợ thấp hơn. Hai mức giá đáng chú ý là 2.309 USD/ounce và 2.396 USD/ounce. Theo chuyên gia Dương Anh Vũ, khả năng giá vàng trở về xu hướng giảm dễ xảy ra hơn vì xung đột ở Trung Đông phần nào hạ nhiệt. Trong khi đó, Nga và Ukraine chưa thể đẩy mạnh hoạt động tấn công.
Tương tự, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới Nguyễn Ngọc Trọng, dự báo giá vàng thế giới sẽ đi ngang với hướng điều chỉnh giảm chiếm ưu thế. Khả năng là giảm về mức 2.300 USD/ounce hoặc giảm sâu hơn (có thể về 2.250 USD/ounce) trước khi có xu hướng tăng trở lại. "Trong tuần này, nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ giảm cùng với xu hướng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên mức giảm sẽ không nhiều vì nhu cầu vàng trong nước vẫn là dấu hỏi” - ông Dương Anh Vũ nhận định.
Để vàng không là “con ngựa bất kham”
Ghi nhận thị trường trước kỳ nghỉ lễ, người dân vẫn chen chân nhau mua bán vàng tại các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu, Doji, PNJ… Thậm chí, một số cửa hàng còn xuất hiện cảnh xếp hàng dài chờ mua bán kim loại quý này. Đa phần khách đến mua nhiều hơn lượng khách tới bán. Đáng chú ý, tại các cửa hàng vàng, nhẫn tròn trơn vẫn là mặt hàng được khách chọn mua nhiều nhất. Do đó, tình trạng “cháy hàng”, giới hạn lượng vàng nhẫn khách mua diễn ra phổ biến ở các cửa hàng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong cuộc họp ngày 24/4 đã yêu cầu NHNN phải bảo đảm cung cầu vàng với giá hợp lý trước diễn biến khó lường của thị trường thế giới. NHNN là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng và nắm quyền nhập khẩu nên việc này chắc chắn không khó khăn gì.
Nhưng dù kết quả thế nào thì đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng mà thị trường chờ đợi, cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều lần là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ – CP về quản lý thị trường vàng.
Trong đó 2 điểm mấu chốt là bỏ độc quyền vàng miếng SJC và nới cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu có điều kiện. Thị trường vàng lúc đó sẽ tự điều tiết, chênh lệch giá trong nước - thế giới sẽ được kéo lại gần hơn đúng với mục tiêu mà chúng ta hướng tới.
“Xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại, theo thông lệ quốc tế. Thay vì NHNN phải bán vàng ra tăng cung, sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý” - chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Đinh Thế Hiển đề xuất.
Theo TS Đinh Thế Hiển, về vấn đề đầu cơ, thao túng giá vàng, tại một thị trường càng ít liên thông với thế giới thì nguy cơ này càng lớn. Tuy nhiên, nhóm người này là những người kinh doanh kiểu lướt sóng, có khẩu vị rủi ro cao chứ không phải đại đa số người dân.
“Cứ mở cửa tránh độc quyền, giá vàng sẽ tự cân đối theo thị trường mà trở về giá trị thực, sát giá thế giới. Khi đó tự nhiên người tích lũy đầu tư giảm, giảm nhập khẩu, ngoại tệ sẽ tự cân đối lại” - TS Đinh Thế Hiển nói.
TS Lê Xuân Nghĩa đồng tình quan điểm từng bước thị trường hóa các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có cả thị trường vàng. Từ giai đoạn 2012 - 2024, thị trường vàng được quản lý khép kín. Khi lạm phát được kiểm soát tốt, thặng dư thương mại ở mức cao cần một giải pháp mở hơn. Thị trường vàng phải dần hòa nhập với phương thức hoạt động theo kinh tế thị trường có quản lý Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận