Ngành hàng không phục hồi, SASCO lãi đậm
Trong bối cảnh ngành hàng không đang có sự phục hồi mạnh mẽ khi khách quốc tế đang dần lấy lại mức trước dịch, SAS lãi cao nhất lịch sử.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 mới công bố, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (UpCOM: SAS), doanh nghiệp do “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch, đã ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lên 782 tỷ đồng. Giá vốn giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 18% so với cùng kỳ, lên 498 tỷ đồng.
SASCO có quý kinh doanh lãi cao nhất trong lịch sử.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của SAS tăng 40% so với cùng kỳ, lên 75 tỷ đồng, chủ yếu là do nhận được cổ tức được chia từ các khoản đầu tư, góp vốn bên ngoài. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này cũng tăng mạnh 350% so với cùng kỳ, lên 7,6 tỷ đồng; Chi phí bán hàng cũng tăng 15% so với cùng kỳ, lên 241 tỷ đồng, nhưng bù lại, khoản lợi nhuận khác tăng mạnh 376% so với cùng kỳ, lên gần 8 tỷ đồng, do phát sinh tăng các khoản hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi.
Kết quả, kết thúc quý III, SAS mang về 181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của SAS.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận sản xuất kinh doanh trong quý III/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước là do tình hình kinh doanh của Công ty đã được khôi phục bình thường. Công ty kiểm soát tốt chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, SAS mang về hơn 2.117 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 294 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức lợi nhuận trước thuế đạt được trong 9 tháng đầu năm là hơn 356 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 là 343 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 2.164 tỷ đồng, trong đó, có hơn 1.330 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Đáng chú ý, doanh nghiệp đang nắm giữ gần 700 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, bao gồm gần 231 tỷ đồng tiền mặt và hơn 457 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các Ngân hàng Thương mại (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn).
Trên thị trường, cổ phiếu SAS đang giao dịch quanh mức giá 29.700 đồng/cp, giảm hơn 32% so với hồi cuối tháng 6.
Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ hơ 602 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ, gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn, trong đó, phải trả người bán ngắn hạn là hơn 346 tỷ đồng, giảm hơn 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc nợ ngắn hạn chỉ chiếm chưa tới một nửa tài sản ngắn hạn, cùng với việc đang nắm giữ một khoản tiền mặt lớn, cho thấy tình hình tài chính khá vững mạnh của doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không này.
Là một doanh nghiệp có vị thế lớn trong lĩnh vực dịch vụ hàng không cũng như kinh doanh hàng miễn thuế tại Sân bay Tân Sơn Nhất, kết quả kinh doanh của SAS có sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh ngành hàng không cũng đang có sự phục hồi mạnh mẽ, khi khách du lịch quốc tế đang dần lấy lại được mức trước dịch COVID-19.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 9/2024 là 421,8 nghìn lượt người, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng tháng năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4,1 triệu lượt người, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê đánh giá, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, vận tải hàng hoá bằng đường hàng không có mức tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước (0,3 triệu tấn). Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ năm 2021 tới nay. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi của vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sau giai đoạn COVID-19 ngày càng rõ nét.
Theo Tổng cục Thống kê, một trong những lý do khiến vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm là do nhu xuất khẩu linh kiện điện tử, hàng có giá trị... của Việt Nam trong những tháng đầu tăng mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường