Ngân hàng Quân đội (MBB) chi hơn 1.100 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn
Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) đã có 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị trái phiếu mua lại là hơn 4.600 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân Đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE).
Cụ thể, vào ngày 13/5, Ngân hàng Quân đội đã tiến hành mua lại trước hạn hai lô trái phiếu có mã MBBL2229009 và mã MBBL2229010. Cả hai lô trái phiếu đều được Ngân hàng Quân đội phát hành vào năm 2022 với kỳ hạn 7 năm.
Cụ thể, lô trái phiếu MBBL2229009 có tổng giá trị mua lại là 100 tỷ đồng. Trong khi đó, lô trái phiếu MBBL2229010 có tổng giá trị mua lại là 1.010 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Quân đội đã có 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị trái phiếu mua lại (tính theo mệnh giá) đạt 4.633 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội phát hành các lô trái phiếu mới. Mới đây, ngân hàng này đã phát hành thành công lô trái phiếu mã MBBL2431010, gồm 301 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với kỳ hạn 7 năm.
Đây là lô trái phiếu thứ 10 được Ngân hàng Quân đội phát hành từ đầu năm 2024 đến nay, nâng tổng giá trị trái phiếu đã phát hành trong năm nay lên mức 3.351 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Ngân hàng Quân đội ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi cho vay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý đầu năm, chi phí hoạt động của Ngân hàng Quân đội giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.707 tỷ đồng.
Kết quả, Ngân hàng Quân đội thu về 5.795 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 1/2024, giảm 11% so với cùng kỳ, hoàn thành 21% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội trong 12 tháng qua.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ xấu của Ngân hàng Quân đội tăng 56% so với đầu năm, lên mức 15.294 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn 2 lần, lên mức 6.048 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội, nợ xấu tăng cao chủ yếu do nợ liên đới theo CIC tăng vọt lên mức 0,8%, phần lớn đến từ một khách hàng doanh nghiệp lớn, trong khi thông thường các khoản vay bị hạ nhóm nợ liên đới CIC chỉ ở mức 0,1% trong giai đoạn 2021 - 2022 và 0,2% trong năm 2023.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội khẳng định sẽ giải quyết triệt để vấn đề trên trong tháng 5/2024 với khả năng hoàn nhập dự phòng liên quan đến khách hàng doanh nghiệp lớn trên.
Trong 2 quý gần đây, biên lợi nhuận ròng (NIM) của Ngân hàng Quân đội đều ghi nhận giảm. Hiện ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội kỳ vọng NIM sẽ không giảm thêm trong các quý còn lại trong năm do lợi suất cho vay trung bình sẽ cải thiện khi khách hàng bị hạ nhóm nợ liên đới theo CIC được nâng lên nợ tiêu chuẩn.
Đồng thời, chi phí vốn có thể không thay đổi hoặc giảm nhẹ trong quý 2/2024 do lãi suất huy động hiện dự kiến sẽ chỉ tăng từ quý 4/2024. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự kiến sẽ duy trì ổn định do 55% tổng CASA hiện đến từ khách hàng bán lẻ. Cuối cùng, nhu cầu tín dụng đã có dấu hiệu phục hồi trong 2 tháng qua, theo phân tích của ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận