Ngấm đòn lạm phát, một doanh nghiệp cá tra "bốc hơi" hơn 90% lợi nhuận
Quý I/2023, doanh thu từ mảng chủ lực cá tra mặc dù giảm nhẹ nhưng vẫn đóng góp lớn nhất của IDI với 809 tỷ đồng, tương đương 45% cơ cấu.
Theo đó, mảng chủ lực cá tra mặc dù giảm nhẹ nhưng vẫn đóng góp lớn nhất cho cơ cấu doanh thu của IDI với 809 tỷ đồng, tương đương 45%. Đứng sau đó là doanh thu từ bột cá, mỡ cá với 664 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, quý này công ty không ghi nhận doanh thu từ kinh doanh hàng hoá bất động sản.
Ngoài ra, doanh thu từ bán hàng hoá, thức ăn chăn nuôi trong quý đạt 273 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ quý I/2022. Tuy nhiên do kinh doanh dưới giá vốn nên mặt hàng này chưa đem lại lợi nhuận trong quý đầu năm 2023 của công ty.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của IDI đi lùi từ 54 tỷ đồng trong quý I/2022 xuống còn 28 tỷ đồng trong quý I/2023, tương ứng giảm 48%.
Quý I/2023, dù IDI đã tiết giảm mạnh chi phí bán hàng nhờ giảm phí vận chuyển hàng hoá nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, chi phí tài chính đạt 94 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng; tăng lần lượt 95% và 120%. Nguyên nhân chủ yếu là do IDI ghi nhận lãi tiền vay tăng cao và lỗ chênh lệch tỉ giá.
Sau thuế, lợi nhuận của IDI đạt 17,5 tỷ đồng, giảm sâu tới 91% so với số lãi 201 tỷ đồng vào quý I/2022.
Năm 2023, IDI đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 8.133 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, IDI đã hoàn thành 21,6% chỉ tiêu doanh thu và 9% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Về tình hình tài chính của công ty, tổng tài sản của IDI tại ngày 31/3/2023 đạt 8.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm.
Dư nợ tính đến cuối kỳ của IDI ở mức 4.816 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính chiếm đa số với 4.260 tỷ đồng, tăng 4%, chủ yếu đến từ khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng.
Thông tin về diễn biến thị trường thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết quý I, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%; xuất khẩu cá tra thu về 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ; và xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, chỉ được 179 triệu USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận