Nằm sàn 16 phiên liên tiếp, ai đang chất bán hàng chục triệu cổ phiếu FTM mỗi phiên?
Khối lượng chất bán giá sàn mỗi phiên lên đến hàng chục triệu cổ phiếu, thậm chí có thời điểm có thời điểm chiếm một nửa khối lượng cổ phiếu lưu hành của Fortex.
Giảm sàn 16 phiên liên tiếp chưa có điểm dừng
Đáng chú ý, dù đã giảm rất sâu nhưng cầu bắt đáy cổ phiếu này gần như không xuất hiện trong khi lượng cung vẫn rất dồi dào và quyết đoán.
Ngoài phiên giảm sàn đầu tiên (15/8) khớp lệnh 928.000 đơn vị, thanh khoản bình quân trong 15 phiên vừa qua chỉ vỏn vẹn chưa đến 1.300 đơn vị/phiên. Kể từ khi bắt đầu chuỗi giảm sàn đến nay, chỉ có 1,5 triệu cổ phiếu FTM được giao dịch trên thị trường (tính cả thỏa thuận).
Trong khi đó, khối lượng chất bán giá sàn mỗi phiên lên đến hàng chục triệu cổ phiếu, thậm chí có thời điểm chiếm một nửa khối lượng cổ phiếu lưu hành của Fortex. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại “cơn bĩ cực” của cổ phiếu FTM vẫn chưa có điểm dừng.
Thực tế trước khi có biến cố này xảy ra, cổ phiếu FTM đang có nhịp tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2019. Từ vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu, FTM bắt đầu leo dốc qua đó đạt đỉnh hơn 25.000 đồng/cổ phiếu sau hơn 3 tháng và đi ngang quanh vùng giá này trước khi rơi mạnh. Thanh khoản cũng tương đối dồi dào với trên dưới 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên trước khi gần như mất hút trong khoảng 3 tuần qua.
Ai đang chất bán cổ phiếu FTM?
Thống kê về cơ cấu cổ đông của Fortex cho thấy, doanh nghiệp này hiện có 8 cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần, đều là các cổ đông cá nhân. Điểm đáng chú ý, tổng khối lượng cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông lớn này chiếm tới hơn 86% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Fortex. Như vậy, số lượng cổ phiếu FTM trôi nổi chỉ vào khoảng gần 7 triệu đơn vị.
Điều này làm nổi lên nghi vấn: trong hàng chục triệu cổ phiếu chất bán mỗi phiên có bao gồm cả cổ phần của các cổ đông lớn? Dù vậy, trong thời gian trượt dài vừa qua, cổ phiếu FTM không có thông tin đăng ký giao dịch bán ra nào của các cổ đông này.
Một thông tin liên quan khác, vào ngày 16/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quý do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm.
Cụ thể, doanh thu thuần của Fortex giảm gần 24% so với cùng kỳ xuống 450 tỷ đồng trong khi giá vốn giảm chậm hơn với 15,8% khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh 85% xuống còn hơn 10 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Fortex lỗ 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 25 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh này là do sản lượng xuất khẩu giảm 27% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2.816 tấn đồng thời giá bán sợi trong quý II vừa qua cũng giảm mạnh so với quỹ II/2018. Trong khi đó, giá bông tồn kho cũng như các đơn hàng đã đặt có đơn giá cao trung bình từ 1,96 USD làm cho chi phí giá vốn của công ty không giảm mạnh được, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay