Năm 2024: Ngành tôm và cá tra đối mặt với thách thức dư cung
Trong năm 2024, ngành tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán vẫn phải vật lộn với thách thức dai dẳng từ tình trạng dư cung với sản lượng tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán sẽ tăng.
Đánh giá về triển vọng trong năm 2024, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, ngành tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán vẫn phải vật lộn với thách thức dai dẳng từ tình trạng dư cung với sản lượng tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán sẽ đạt lần lượt khoảng gần 5.900 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ và 3.200 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Theo đó, sản lượng tôm từ Ecuador ước tính tăng 7% so với cùng kỳ, lên 1,5 triệu tấn. Ấn Độ cũng dự kiến sẽ duy trì sản lượng tôm ở mức 700 nghìn tấn vào năm 2024.
PHS cho rằng, sự bất ổn vẫn sẽ tồn tại đối với các nhà sản xuất tôm và cá tra châu Á, có khả năng dẫn đến giảm mật độ thả giống vào đầu năm 2024 và kéo theo đó là những điều chỉnh nguồn cung trong dài hạn. Hiệu quả hoạt động của ngành thủy sản sẽ phụ thuộc vào động lực nhu cầu, trong đó các thị trường phát triển không có dấu hiệu suy giảm và tăng trưởng kinh tế thúc đẩy khả năng phục hồi về nhu cầu và giá tôm.
Về xuất khẩu tôm qua Mỹ, PHS cho biết, tính đến 10 tháng năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu 649 nghìn tấn tôm với trị giá đạt 5,4 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ về khối lượng và 20% so với cùng kỳ về giá trị. Theo đó, Mỹ đã chứng kiến khối lượng nhập khẩu tôm cải thiện 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ sau 13 tháng liên tục giảm.
Theo Conference Board, chỉ số Niềm tin người tiêu dùng (Consumer Confidence Index) vào tháng 11/2023 đã tăng lên 102 (năm 1985 = 0) từ mức 99,1 vào tháng 10, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu lạc quan hơn về triển vọng tài chính của mình. Do đó, PHS cho rằng thị trường tôm Mỹ vào nửa đầu năm 2024 có thể chưa phục hồi hoàn toàn nhưng sẽ dần có dấu hiệu tốt hơn.
Hiện nay, giá tôm Việt Nam trung bình xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 10% so với cùng kỳ, còn 10,57 USD/kg, nhưng vẫn cao hơn 40% so với giá tôm Ấn Độ là 7,56 USD/kg và cao hơn 56% so với giá tôm Ecuador là 6,77 USD/kg. Với nguồn cung tôm vô cùng lớn vào năm 2024, giá tôm xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Đối với thị trường Nhật Bản, theo PHS, Nhật Bản được biết đến là quốc gia có mức tiêu thụ thủy sản cao nhất thế giới. Cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản chiếm khoảng 56,2% thị phần tôm thế giới.
Hàng năm, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 200.000 tấn tôm từ Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như tỷ giá đồng yên Nhật giảm so với ngoại tệ, hội chứng EMS ở tôm bùng phát, hàng tồn kho cao từ 2022… nhập khẩu tôm đông lạnh vào Nhật Bản đã giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 133 nghìn tấn trong 9 tháng năm 2023.
“Trong giai đoạn 2018 – 2020, Việt Nam giữ vị thế dẫn đầu trong các quốc gia xuất khẩu tôm đông lạnh sang Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, nhờ lợi thế tôm giá rẻ, Ấn Độ vượt Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm đông lạnh hàng đầu cho Nhật Bản”, PHS đánh giá.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này vẫn kỳ vọng, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2024 sẽ tương đối lạc quan nhờ: Chi phí cước tàu vận chuyển hàng hoá sang Nhật Bản thấp hơn Mỹ, EU; Thị trường Nhật Bản có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm GTGT cao – vốn là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam; Được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại…
Với ngành cá tra, PHS đánh giá , áp lực lớn ở thị trường Mỹ. Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới, tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ cá tra bắt đầu có xu hướng chuyển trọng tâm từ Bắc Mỹ và Châu Âu sang Trung Quốc.
Từ quý III/2023, dù mức độ sụt giảm về sản lượng đã thu hẹp lại, nhưng giá cá tra trung bình xuất khẩu sang Mỹ tính đến tháng 11/2023 vẫn tiếp tục giảm còn 2,6 USD/kg – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Theo ITC, trong giai đoạn 2018 – 2023, Mỹ nhập khẩu khoảng 190.000 – 200.000 tấn cá fillet/quý, trong đó, cá tra fillet Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 10% - 15% đạt khoảng 20.000 – 30.000 tấn/quý.
“Cho năm 2024, chúng tôi dự báo sản lượng xuất khẩu cá tra fillet sang Mỹ chiếm trung bình khoảng 13% với sản lượng đạt khoảng 26.000 tấn/quý, phục hồi nhẹ dựa trên mức nền thấp vào năm 2023. Tuy nhiên, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, ước tính đạt khoảng 3 USD/kg (giảm khoảng 32% so với năm 2022 và tương đương với năm 2023)”, PHS dự báo.
Trong khi đó, với thị trường EU, PHS nhận định, xuất khẩu cá tra sang EU trong năm 2024 vẫn giữ ổn định so với năm 2023 nhờ: EU chính thức loại bỏ cá thịt trắng Nga và Belarus ra khỏi chương trình Hạn ngạch thuế quan tự trị ATQs trong giai đoạn 2024 – 2026, điều này góp phần làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do EVFTA và UKVFTA hỗ trợ xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU; Nhu cầu tiêu thụ tại EU tập trung vào phân khúc thuỷ sản giá vừa và thấp.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn còn tồn tại một số thách thức như: Sự cạnh tranh bởi những loài cá da trơn khác đến từ những quốc gia có Hiệp định thương mại và giải pháp về hạn ngạch thuế quan tự chủ (ATQs) góp phần giúp EU giải quyết vấn đề thay thế nguồn cung từ Nga; Giá cá tra xuất khẩu sang EU vẫn duy trì ở mức thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận